Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực học đường - nỗi đau không của riêng ai

07:58, 01/11/2022

Liên tiếp những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra với mức độ hết sức nghiêm trọng đang khiến không chỉ phụ huynh mà các nhà quản lý giáo dục, giáo viên lo lắng.

BLHĐ xuất hiện từ nông thôn đến thành thị, từ các trường tư thục đến công lập. Thậm chí, ngay cả một số ngôi trường chuyên nổi tiếng vẫn xảy ra BLHĐ. Mới đây, vào chiều 24/10, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một nữ sinh đeo khăn quàng bị một nhóm bạn học khác dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp. Em nữ sinh chỉ biết dùng tay ôm đầu chịu trận. Còn các nữ sinh vừa dùng mũ bảo hiểm đánh bạn, vừa tỏ ra phấn khích, nhảy nhót. Nạn nhân P.H.D.M. – một nữ sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du ở thị xã Buôn Hồ đã phải nhập viện theo dõi. 

Sáng 25/10, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) xác nhận, nhà trường đã ghi nhận có việc nhóm nữ học sinh của trường đánh một nữ sinh khác. Sự việc xảy ra vào ngày 24/10, bên ngoài nhà trường.
Nhóm nữ sinh Trường THCS Nguyễn Du, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) đánh một nữ sinh khác. (Ảnh cắt từ clip) 

Vợ chồng một người bạn thân của tôi chăm con rất kỹ. Ngày nào hai vợ chồng cũng thay nhau đưa đón con đến trường - về nhà. Thế mà cậu con trai lớn lớp 8 vẫn bị nhóm bạn lớp 9 kéo vào nhà vệ sinh hành hung. Nói thế để thấy rằng, con cái chúng ta không thể an toàn tuyệt đối trước BLHĐ. Điển hình như vụ việc xảy ra ở Bình Định, vào ngày 25/10, Công an huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết đang điều tra vụ việc một nhóm nữ sinh đánh đập một bạn khác và quay phim, đăng lên mạng xã hội. Cụ thể vào ngày 23/10, một nhóm học sinh (lớp 7 và 8 đang học Trường THCS thị trấn Phù Mỹ) đến nhà của em T.L.T.M. (học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Phù Mỹ) rồi đánh đập em ngay tại nhà, khiến em này phải nhập viện.

Số liệu mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong một năm học cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ xảy ra BLHĐ, tình trạng này ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những vụ BLHĐ không chỉ gia tăng về số lượng mà còn về mức độ nguy hiểm. Đáng nói, BLHĐ không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi tấn công về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa… Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển toàn diện của học sinh sau này.

Không khó chỉ ra các nguyên nhân cơ bản khiến BLHĐ gia tăng. Như, trẻ trong lứa tuổi từ 10 - 18 đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách thường rất thích thể hiện bản lĩnh, cái tôi cá nhân. Hiện nay các em chịu nhiều tác động từ phim ảnh, các luồng thông tin liên quan đến bạo lực vốn nhan nhản trên không gian mạng mà chưa được tiếp cận nhiều với những tấm gương tốt, nhân văn có sức lay động trong đời thường. Bên cạnh đó, lịch học quá dày đặc, áp lực bài vở, điểm số, dồn nén tạo nên ẩn ức. Mặc dù trường nào cũng có đội cờ đỏ, lực lượng bảo vệ, camera nhưng chưa tạo được một “rào chắn” an toàn cho học sinh. Các thiết chế văn hóa để trẻ em hưởng thụ, vui chơi, giải trí lại khiêm tốn. Bên cạnh việc dạy văn hóa, việc đào tạo, rèn luyện các học sinh về đạo đức, tư cách, trách nhiệm công dân còn mang nặng tính hình thức, chưa hiệu quả. Nhiều phụ huynh mải lo mưu sinh, giao phó việc giáo dục, thậm chí theo dõi quá trình phát triển tâm sinh lý của con em mình cho nhà trường. Học sinh còn chịu tác động của môi trường xã hội. Trên con đường đến trường hằng ngày, nhiều em chắc chắn đã phải chứng kiến tình huống chỉ cần xích mích, va chạm nhỏ, người ta sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, thậm chí tước đi tính mạng của người khác.

Bất luận thế nào, xảy ra BLHĐ trách nhiệm vẫn là của người lớn. Phải tạo ra một môi trường giáo dục văn minh, giúp học sinh bồi đắp lòng trắc ẩn, yêu tha thiết thiên nhiên, cuộc sống và con người. Làm được như vậy sẽ hạn chế tối đa "đất sống" của BLHĐ.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.