Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện tuyến đầu không có máy CT scaner phục vụ người bệnh?

08:37, 10/11/2022

Vừa qua, Báo Đắk Lắk đã nhận được ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bị hỏng máy CT scaner đã gần 2 năm nhưng không sửa chữa để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Đặc biệt, việc bệnh nhân được bệnh viện hướng dẫn ra chụp CT scaner tại cơ sở y tế tư nhân không những không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chi phí (1.500.000 đồng/lần chụp), mà còn tốn kém chi phí phát sinh khi đi lại giữa các cơ sở y tế. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc cho người bệnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân BHYT(?).

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Nguyễn Đại Phong cho biết, bệnh viện hiện có 4 máy CT scaner gồm: 1 máy CT scaner 64 lát cắt (máy công suất cao nhất, được đưa vào sử dụng từ 5 năm trước), 2 máy CT scaner 32 lát cắt (đưa vào sử dụng từ 2 năm trước), 1 máy CT scaner 1 lát cắt (đưa vào sử dụng từ năm 2002). Hiện máy CT scaner 64 lát cắt đang bị hỏng đầu đèn, 3 máy còn lại vẫn đang hoạt động bình thường.

Chú thích ảnh: Chụp MRI cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: K.Oanh
Chú thích ảnh: Chụp MRI cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh minh họa: K.Oanh

Tại bệnh viện, máy CT scaner 64 lát cắt được dùng để chụp cho các bệnh nhân có chỉ định chụp lồng ngực và ổ bụng vì nó có thể thực hiện được rất nhiều lát cắt và lát cắt rất dày. Các máy công suất thấp từ 1 lát cắt đến 32 lát cắt thường được sử dụng để chụp sọ não và các nội dung ít lát cắt. Trong trường hợp thật cần thiết mới dùng máy CT scaner 32 lát cắt để chụp lồng ngực và ổ bụng, bởi khi chụp trong trường hợp này đòi hỏi nhiều lát cắt, vòng quay của nó rất nhiều, sẽ khiến cho đầu đèn dễ bị cháy.

Vì thế, trong điều kiện máy CT scaner 64 lát cắt đang bị hỏng đầu đèn không thể sử dụng, bệnh viện chỉ ưu tiên thực hiện chụp lồng ngực và ổ bụng đối với các trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân cấp cứu.

Còn các trường hợp khác khi có chỉ định, bệnh viện sẽ trao đổi với bệnh nhân lựa chọn một trong ba phương án: chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (TP. Hồ Chí Minh); ở tại bệnh viện và xếp hàng chờ đến lượt chụp; chuyển bệnh nhân ra cơ sở y tế tư nhân để thực hiện chỉ định chụp CT.

Trường hợp bệnh nhân lựa chọn ra cơ sở y tế tư nhân để thực hiện dịch vụ, bệnh viện cũng giải thích rõ việc bệnh nhân phải tự chi trả chi phí dịch vụ, bởi theo quy định, bệnh viện không thể chuyển bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới nên không thể thanh toán BHYT. Tuy nhiên, số bệnh nhân chuyển ra cơ sở y tế tư nhân để thực hiện dịch vụ không nhiều, mỗi tuần chỉ có một vài ca.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong cũng chia sẻ, đối với máy CT scaner 64 lát cắt đang bị hỏng đầu đèn, bệnh viện chưa thể mua đầu đèn mới. Nguyên nhân không phải do thiếu kinh phí mà do vướng quy định. Cụ thể, theo Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, khi muốn mua một loại vật tư, trang thiết bị phải có 3 bảng báo giá, trong khi đầu đèn của máy CT scaner 64 lát cắt là hàng độc quyền của hãng Siemens (Đức), các công ty khác không có hàng để báo giá. Khi không có đủ 3 báo giá, Sở Tài chính sẽ không thẩm định và phê duyệt, dẫn đến bệnh viện không thể ghi hồ sơ mời thầu. Trên thực tế, vướng mắc này không phải chỉ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mà là tình trạng chung đối với các cơ sở y tế trên cả nước.

Liên quan đến vướng mắc này, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã có văn bản gửi Cục Trang thiết bị (Bộ Y tế) để xin ý kiến xử lý, đến lần thứ ba, mới nhận được phản hồi hướng dẫn cách làm. Ngay sau đó, bệnh viện đã triển khai thủ tục để mua đầu đèn của máy CT scaner 64 lát cắt. Tuy nhiên, một gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị thông thường đúng quy trình phải diễn ra trong khoảng 5 tháng. Hiện bệnh viện vẫn đang nỗ lực triển khai với mục tiêu mua được đầu đèn sớm nhất có thể để đưa máy vào vận hành phục vụ người bệnh. Trong thời gian chờ đợi sửa chữa máy móc, ít nhiều sẽ gây phiền hà cho người bệnh, bệnh viện rất mong nhận được sự sẻ chia của bệnh nhân.

           Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.