Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu nhân đạo – lan tỏa lòng nhân ái

07:59, 01/11/2022

Hiến máu nhân đạo là một trong những nghĩa cử cao đẹp mang đậm ý nghĩa nhân văn. Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu, nỗ lực trong hành trình chia sẻ yêu thương.

Hơn 35 năm âm thầm tham gia hiến máu tình nguyện, đến nay ông Nguyễn Tấn Chờ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) đã có 47 lần hiến máu, 6 lần hiến tiểu cầu. Ông còn tích cực vận động hàng trăm người cùng sẻ chia những giọt máu của mình, tham gia vào “Ngân hàng máu sống”.

Những bước chân lặng lẽ mà hối hả của ông mỗi khi nghe tin có ca bệnh cần hiến máu gấp đã góp phần cứu biết bao bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Không chỉ vậy, ông Chờ đã tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Đối với ông, còn gì hạnh phúc hơn khi những giọt máu của mình có thể cứu sống ai đó, một phần thân thể của mình vẫn có thể đem đến sự sống cho những cơ thể khác.

Anh Trần Phi Trường (bìa trái) tham gia hiến máu tình nguyện.

Anh Trần Phi Trường (SN 1987, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 2009, đến nay anh đã có 20 lần hiến máu. Anh Trường tâm niệm rằng khi nào mình còn đủ điều kiện, sức khỏe thì luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu quý giá cho người bệnh. Trong hai năm qua, đặc biệt vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh vẫn hăng hái tham gia hiến máu trực tiếp tại các bệnh viện. Có lần giữa đêm khuya, anh vẫn đi hiến máu cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Khoảng 3 tháng sau, khi bình phục bệnh nhân đã cố gắng tìm kiếm người đã hiến máu giúp mình qua cơn nguy kịch để bày tỏ sự cảm ơn chân thành khiến anh Trường khá bất ngờ và hạnh phúc.

Ông Chờ, anh Trường là hai trong số 52 cá nhân tham dự Hội nghị tôn vinh người hiến máu tiêu biểu do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh vừa tổ chức. Về dự hội nghị, mỗi cá nhân dù công việc, ngành nghề khác nhau nhưng có chung tấm lòng nhân ái, tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng hiến máu cứu người bất kể ngày đêm. Ông Chờ xúc động chia sẻ: “Hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bởi cơ thể chúng ta có khả năng tái tạo máu, minh chứng là đến nay sức khỏe của tôi vẫn tốt và làm việc bình thường. Hiến máu nhân đạo thể hiện lòng nhân ái, bao dung, khi bạn tham gia hiến máu cũng có nghĩa là bạn đem lại cho người bệnh và người thân của họ một niềm hạnh phúc lớn lao mà không một thứ vật chất nào có thể đánh đổi được”

Các cá nhân hiến máu tiêu biểu nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Hội nghị tôn vinh người hiến máu tiêu biểu.

Quả thật, những giọt máu được trao đi đã mang đến niềm vui, hạnh phúc và sự sống cho những người bệnh cần máu, đặc biệt khi họ đứng trước lằn ranh sinh tử. Chị Phan Tú Uyên (25 tuổi, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) mang trong mình căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), cần phải truyền máu hằng tháng, bởi thế chị trân quý những giọt máu mà mình được nhận hơn bao giờ hết. Chị trải lòng: “Bản thân tôi cùng hàng nghìn bệnh nhân khác trên đất nước đang sống trong nỗi lo sợ về bệnh tật, sống cùng những cơn đau, cùng cảm giác cái chết cận kề nên hơn ai hết, tôi biết mỗi giọt máu hiến tặng đáng quý hơn ngàn vàng. Nó chẳng những xoa dịu cơn đau, đẩy lùi bệnh tật mà còn tiếp thêm hy vọng được sống tiếp. Gần 11 năm qua, tôi đã nhận khoảng 300 đơn vị máu để truyền vào cơ thể. Nhờ vào nguồn máu được hiến tặng, bản thân có nghị lực để đấu tranh giành sự sống với tử thần, không được gục ngã”.

 

Sự chung tay, chia sẻ những giọt máu khỏe mạnh là niềm tin, sự sống của người bệnh, góp phần làm nên một thế hệ khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, từng bước xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” .

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh H’Yim Kđoh

Thực tế cho thấy, hằng năm, tại các cơ sở y tế, bên cạnh những bệnh nhân may mắn được nhận máu điều trị thì vẫn còn những trường hợp không có đủ máu kịp thời để cấp cứu, điều trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân mang trong mình nhóm máu hiếm. Những trường hợp này nếu cần truyền máu gấp sẽ đối mặt với không ít khó khăn, rủi ro. Trước thực trạng đó, Câu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm Rh- tỉnh Đắk Lắk ( trực thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh) đã được thành lập.

Anh Nguyễn Quang Tuấn, Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Rh- tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những người hiến máu bình thường, thì những người thuộc nhóm máu hiếm cần được quan tâm nhiều hơn. Ở Việt Nam, số người thuộc nhóm máu Rh- có tỷ lệ dưới 0,1%, thuộc cộng đồng nhóm máu hiếm. Bước đầu, CLB đã kết nối được 43 thành viên tham gia, việc thành lập CLB sẽ tạo điều kiện thuận tiện hơn trong việc liên hệ, hỗ trợ, chia sẻ giữa các thành viên. Khi bệnh nhân có nhu cầu, CLB sẽ cử thành viên đến tham gia hiến máu cho bệnh nhân một cách nhanh chóng, an toàn, ổn định, đảm bảo kịp thời cho cấp cứu và điều trị.

Có thể thấy, bằng sự nỗ lực, chung tay của cả cộng đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hiến máu nhân đạo là hành động tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, cần được tôn vinh và lan tỏa.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.