Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa trang nhân dân ở huyện Krông Búk: Quy hoạch có, thực hiện khó

06:34, 22/12/2022

Trên địa bàn huyện Krông Búk có khoảng 25 nghĩa trang tự phát với tổng diện tích 75,09 ha. Hầu hết các nghĩa trang tự phát nằm trong khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan…

Theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng nghĩa trang tự phát của mỗi xã trên địa bàn huyện phụ thuộc vào số dân và số thôn, buôn. Đơn cử, xã Cư Né với 21 thôn, buôn thì có 6 nghĩa trang tự phát, ở các buôn: Rah, Kđrô, Dhía, Mùi, Kô và thôn Ea Plai, với tổng diện tích 13,22 ha. Hay xã Cư Kpô có 5 nghĩa trang tự phát (14,79 ha); xã Pơng Drang có 4 nghĩa trang (15,84 ha)...

Xã Ea Sin (huyện Krông Búk) đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về thực hiện chủ trương của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Như Quỳnh

Việc hình thành nghĩa trang tự phát ở các thôn, buôn gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường, do vậy cần có các nghĩa trang đạt quy chuẩn, góp phần xây dựng địa phương văn minh, hiện đại, huyện Krông Búk đã xây dựng quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn. Cụ thể, UBND huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng Nghĩa trang nhân dân huyện Krông Búk (ở thôn 11, xã Pơng Drang) với phạm vi 7,68 ha phục vụ an táng cho toàn huyện (khu vực nội thị và ngoại thị); mở rộng quy mô nghĩa trang buôn Mùi (xã Cư Né) lên 13 ha và nghĩa trang thôn 4 (xã Tân Lập) 9 ha để kêu gọi đầu tư chỉnh trang thành Nghĩa trang nhân dân của xã.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đã kêu gọi đầu tư xây dựng 3 dự án nghĩa trang nhân dân đạt quy chuẩn gồm: Nghĩa trang nhân dân huyện Krông Búk, Nghĩa trang nhân dân buôn Mùi và Nghĩa trang nhân dân thôn 4 với tổng diện tích 29,6 ha, tổng kinh phí đầu tư 3 dự án khoảng 17,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà quản trang, nhà quản linh, đường bê tông, cây xanh, khu vực cát táng (mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng), khu vực hung táng (mai táng thi hài trong khoảng một thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng) và chôn cất một lần…

Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2018, UBND huyện đã ban hành Quyết định 3339/QĐ-UBND về việc đóng cửa các nghĩa trang trên địa bàn huyện. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn huyện  đóng cửa, ngừng chôn cất và chỉnh trang 17 nghĩa trang ở 6 xã (Pơng Drang, Cư Kpô, Cư Né, Ea Ngai, Ea Sin, Cư Pơng). Tuy nhiên, việc đóng cửa, ngừng chôn cất tại các nghĩa trang tự phát gặp nhiều khó khăn bởi đây là vấn đề tâm linh mà người dân rất coi trọng.

Ông Lê Xuân Bá, Phó Chủ tịch xã Pơng Drang cho biết, Ban tự quản các thôn, buôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa các nghĩa trang và chôn cất người đã mất ở nghĩa trang mới. Song, một số ít gia đình dân tộc thiểu số vẫn chôn cất người đã mất tại nghĩa trang có thông báo đóng cửa, chỉnh trang.  Theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mỗi buôn phải có một nghĩa trang, nên buôn nào cũng dành quỹ đất để làm nghĩa trang vì sợ người chết không có đất để chôn. Đây chính là rào cản lớn nhất khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các buôn thực hiện việc chôn cất ở nghĩa trang nhân dân huyện Krông Búk đã được quy hoạch đầu tư.

Các phần mộ ở Nghĩa trang nhân dân huyện Krông Búk (thôn 11, xã Pơng Drang) được xây dựng đúng quy cách.

Tương tự tại các xã Cư Né, Cư Kpô, Cư Pơng… người dân lấy các lý do: Quỹ đất ở đây còn nhiều; chôn cất theo tập tục dòng họ; đã “xí” đất cho khu mộ riêng để chôn cất người mất theo gia đình… để tiếp tục chôn cất ở nghĩa trang đã có thông báo đóng cửa từ năm 2018. “Người dân ủng hộ chủ trương quy hoạch nghĩa trang nhân dân của huyện. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân lấy lý do không chấp hành, thì tại các nghĩa trang tập trung, huyện cần quy hoạch khu vực riêng cho người dân tộc tại chỗ chôn cất theo phong tục…”, già làng Y Krú Ayun (buôn Đrao, xã Cư Né) đề xuất.

Trước những khó khăn trên, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại  và Dịch vụ Phúc Lợi (đơn vị đầu tư xây dựng 3 dự án nghĩa trang nhân dân trên địa bàn huyện) đưa ra nhiều chính sách phúc lợi như: quy hoạch các khu chôn cất riêng biệt dành cho người theo đạo Công giáo, Phật giáo và đồng bào dân tộc thiểu số; giảm từ 50 - 100% chi phí hạ tầng cho từng trường hợp (người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người vô gia cư…). Về phía UBND huyện yêu cầu các xã: Cư Né, Ea Sin, Pơng Đrang, Cư Kpô, Cư Pơng… khẩn trương đóng cửa các nghĩa trang theo Quyết định 3339 cũng như quản lý nghiêm diện tích đất các nghĩa trang đã đóng cửa, tránh tình trạng để bị lấn chiếm…

Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang tập trung là cần thiết, phù hợp với việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương ở huyện Krông Búk. Vấn đề là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đặc biệt là sự kiên quyết từ chính quyền các cấp nhằm chấm dứt hẳn việc người dân tiếp tục chôn cất tại các nghĩa trang đã có thông báo đóng cửa.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.