Chăn voi dưới tán rừng khộp
Sâu trong rừng khộp Vườn Quốc gia Yok Đôn, chúng tôi bắt gặp những chú voi đang nhàn nhã đi lại, đủng đỉnh tìm kiếm thức ăn. Thấy tôi giật mình, anh Cao Xuân Ninh, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng (gọi tắt là Trung tâm) đi cùng trấn an - đó là những con voi nhà đang được thả trong rừng chứ không phải voi rừng đâu, đừng sợ.
Cách đó vài chục mét, ven bờ suối, một con voi đực to lớn, chĩa cặp ngà dài nhìn về phía chúng tôi với ánh mắt không được thân thiện cho lắm. Nghe tiếng chúng tôi gọi, một chàng trai lực lưỡng, làn da rám nắng từ trong rừng xuất hiện, đến bên chú voi, sau vài hiệu lệnh, chú voi ngoan ngoãn hạ bộ ngà đầy thách thức xuống, đưa vòi khua khoắng trên vạt le, tìm kiếm những lá non đưa vào miệng nhai nhóp nhép. Khi chú voi đã yên tâm kiếm ăn, chàng trai mới bước tới chỗ chúng tôi chào hỏi. Anh là Y Tý Niê ở buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), nài voi chính có nhiệm vụ hằng ngày theo dõi, chăm sóc cho voi đực Thông Ngân (27 tuổi), thuộc sỡ hữu của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Hai con voi nhà thoải mái vui đùa trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Từ năm 2018, khi Vườn Quốc gia Yok Đôn chuyển từ mô hình du lịch voi chở khách sang mô hình du lịch thân thiện với voi, những con voi của Vườn theo đó được thả tự do trong rừng và công việc của anh Y Tý cũng thay đổi theo. Thay vì hằng ngày cưỡi voi quanh quẩn ở khu vực gần trung tâm của Vườn chờ chở khách tham quan, thì nay anh rong ruổi trong rừng cùng voi. “Từ khi vào rừng “chăn” voi đến giờ, tuy công việc có vất vả hơn, nhưng voi được ăn no, mập mạp, khỏe mạnh lên nên mình cũng mừng, quên hết mệt mỏi”, anh Y Tý tâm sự.
Nài voi Y Tý Niê và voi Thông Ngân trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
"Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi với tổng số vốn 55,452 tỷ đồng. Trong đó, AAF viện trợ 50,888 tỷ đồng, số còn lại là đối ứng từ ngân sách. Dự án được triển khai từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026 với mục tiêu thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi sang các hình thức khác thân thiện với voi; đảm bảo phúc lợi, nâng cao sức khỏe cho voi nhà cũng như đời sống cho những người sỡ hữu voi”. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật hoang dã và quản lý, bảo vệ rừng Trần Xuân Phước
|
Gắn bó với nhau trong thời gian dài, voi Thông Ngân luôn ngoan ngoãn nghe lời mỗi khi anh điều khiển. Nhưng đó là ngày thường, còn vào mùa động dục, voi Thông Ngân thay đổi hoàn toàn cảm xúc, xem anh như kẻ thù, luôn tìm cách tấn công. “Có thể do mình dạy dỗ nó, có khi nó ương bướng không nghe lời nên mình có nặng lời với nó. Bình thường thì không sao chứ mỗi lần động dục chắc nó nhớ lại nên tấn công để trả thù”, anh dự đoán. Hết cơn động dục, Thông Ngân lại ngoan ngoãn nghe lời, voi và người lại quấn quýt với nhau, cùng nhau rong ruổi trong những cánh rừng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Cách đó một khoảng rừng, voi H’Blú đang thong dong đi lại dưới tán rừng, với chiếc vòi khều khều những cành cây, chọn ra những chiếc lá non đưa vào miệng nhóp nhép thưởng thức. Năm 2017, H’Blú khi đó đã già yếu, không thể phục vụ du lịch nên được một công ty ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tặng cho Trung tâm. Sau một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng ở huyện Lắk, đầu năm 2022 H’Blú được đưa vào nuôi ở rừng Buôn Đôn. Khi nhận nhiệm vụ chăm sóc voi H’Blú trong rừng, anh Y Tim Rya phải mất nửa tháng để làm quen với voi. Ban đầu là những cử chỉ thân thiện để voi tin tưởng, dần dà là dạy voi những hiệu lệnh để nghe theo lời của nài. Sau một năm về đây, voi H’Blú thích nghi nhanh với khí hậu, môi trường. Được ăn uống đầy đủ nên dù voi H’Blú đã 61 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh.
Nài voi Y Tim Rya (49 tuổi), được giao nhiệm vụ theo chân voi H’Blú là một nài voi có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc, điều khiển voi. Trước đây, gia đình anh cũng từng sỡ hữu voi và anh được ông cha mình truyền nghề lại cho. Lớn lên, khi voi của gia đình già yếu mất đi, anh làm nài voi thuê cho các công ty du lịch trên địa bàn. Công việc của anh hằng ngày là điều khiển voi đến điểm du lịch đón khách rồi chở khách đi tham quan. “Thời điểm đó, voi cả ngày phải chờ khách, chở khách nên ít có thời gian để kiếm ăn, lượng thức ăn bổ sung cũng không đủ. Vì vậy, voi thường phải chịu đói để phục vụ khách nên sức khỏe ngày càng giảm sút. Giờ được thả tự do trong rừng, voi có thời gian để kiếm ăn; được chọn lựa những thức ăn mình yêu thích, trong đó có những loại thức ăn là các vị thuốc để điều trị một số bệnh của voi nên sức khỏe chúng được cải thiện rõ rệt”, anh nhận định.
Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật hoang dã và quản lý, bảo vệ rừng, hiện nay đang có 6 con voi được thả để tự do kiếm ăn trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, trong đó có 3 con thuộc sỡ hữu của Vườn và 3 con của Trung tâm. Mỗi con voi có nài voi riêng để theo dõi, chăm sóc. Khi voi gặp vấn đề gì thì nài voi sẽ thông báo để Trung tâm và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) có phương án xử lý. Những con voi này hiện đang được hỗ trợ kinh phí của AAF để thực hiện mô hình du lịch thân thiện và nâng cao phúc lợi cho đàn voi nhà.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc