Multimedia Đọc Báo in

“Hoa xương rồng trên cát”

08:48, 26/01/2023

Những khó khăn trở ngại khi bị khuyết tật vận động không ngăn cản được chị H’Yar Kbuôr (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) mạnh mẽ vững bước bằng nghị lực, ý chí vươn lên không ngừng.

Gia đình nghèo, phải nghỉ học sớm, lại không thể làm được việc nương rẫy, chị H’Yar quyết tâm học may để tìm một cái nghề có thể tự nuôi sống bản thân sau này. Chị trải lòng: “Đôi chân không lành lặn, những ngày đầu khi tiếp xúc với máy may, tôi gặp nhiều khó khăn vì không thực hiện được thao tác vận hành máy. Nhưng tôi không bỏ cuộc, tự nhủ rằng dù chậm hơn so với người khác nhưng nếu mình nỗ lực, chăm chỉ tập luyện thì cũng sẽ làm được. Niềm vui đã đến khi may hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên, rồi niềm vui đó ngày càng lớn hơn khi tôi được bà con trong buôn ủng hộ, đặt hàng may rất nhiều quần áo, có thể tự nuôi sống bản thân bằng nghề này”.

Chị H’Yar Kbuôr dệt các sản phẩm thổ cẩm.

Năm 2003, không muốn phụ thuộc vào gia đình, chị H’Yar ra ở riêng, tự chăm lo cuộc sống bản thân. Vốn được học dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê từ bà và mẹ, giờ lại có thêm nghề may, chị H’Yar tự mình dệt, may những tấm váy áo, chăn địu. Với đôi bàn tay khéo léo, cộng sự hiểu biết về nhiều loại họa tiết cổ của người Êđê, các sản phẩm chị làm ra đều rất được ưa chuộng. Chị H’Yar được mời tham gia truyền dạy nghề dệt ở các lớp dạy nghề do các đơn vị trong và ngoài địa phương tổ chức.

Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chị H’Yar đã có thể nuôi con ăn học trưởng thành. Bên cạnh đó, chị còn nhận nuôi hai cháu ngoại của em gái. “Làm mẹ đơn thân đã vất vả, làm mẹ đơn thân khuyết tật còn khó khăn gấp bội, tôi luôn tự dặn mình phải thật mạnh mẽ, kiên cường để làm chỗ dựa cho con cháu. Được chăm lo, chứng kiến con cháu trưởng thành từng ngày với tôi đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc”, chị H’Yar chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu may trang phục truyền thống dân tộc Êđê của người dân trong buôn để mặc vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi rất nhiều, chị H’Yar đã khéo léo tạo ra những bộ trang phục truyền thống cách tân vừa đẹp, vừa hiện đại đáp ứng nhu cầu thời trang của các bạn trẻ. Năm 2021, chị H’Yar đã đưa ý tưởng dệt may thổ cẩm truyền thống đến với Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Tự tin vượt qua vòng loại để đến với Vòng chung kết, chị H’Yar đã thể hiện được ý tưởng, suy nghĩ, mong muốn để đưa sản phẩm mang bản sắc văn hóa của dân tộc đến với thị trường và ổn định trong quá trình phát triển sau này.

Chị H'Yar Kbuôr (giữa) cùng các chị em trong Tổ hợp tác giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm.

Dự án khởi nghiệp của chị không chỉ được Ban tổ chức đánh giá cao vì chất lượng và tính khả thi, mà còn bởi sự nỗ lực và tâm huyết của một người khuyết tật như chị khi đến với cuộc thi. Giành giải Khuyến khích, đồng thời là một trong 5 dự án được Ban giám khảo và doanh nghiệp lựa chọn cam kết hỗ trợ đầu tư, ngay sau cuộc thi, chị H’Yar đã được doanh nghiệp tặng một máy vắt sổ, hỗ trợ thiết kế bảng check-in điểm dệt may thổ cẩm ở ngay cổng chào đầu buôn Kala. Đồng thời được hướng dẫn thêm hàng trăm mẫu sản phẩm dệt thổ cẩm đang được ưa chuộng, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra sản phẩm, bày bán ở các cửa hàng lưu niệm tại các điểm du lịch trong tỉnh.

Nhờ đó chị H’Yar có điều kiện mở rộng sản xuất, hướng dẫn cho nhiều chị em có nhu cầu học nghề dệt may truyền thống và lên ý tưởng thành lập tổ hợp tác để kết nối, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em trong buôn. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 8/2022 vừa qua, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kala được thành lập với 18 thành viên, chị H’Yar Kbuôr làm tổ trưởng. 

Chị H’Yar tâm sự: “Tham gia Tổ hợp tác, các chị em có sự trao đổi, thống nhất, biết cách làm thế nào để tấm thổ cẩm làm ra ưng ý nhất, mang đặc trưng riêng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Không chỉ mong muốn khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, tôi còn mong muốn các chị em có thêm điều kiện để khẳng định bản thân, vươn lên trong cuộc sống, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Dù mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi luôn hy vọng rằng tổ hợp tác sẽ thành công với sự đồng lòng của chị em và sự hỗ trợ, giúp sức của các cá nhân, tổ chức tại địa phương”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.