Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Xây dựng nội dung giáo dục địa phương giàu bản sắc

07:05, 31/01/2023

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trong đó, tài liệu GDĐP được xem như sách giáo khoa do chính địa phương biên soạn theo định hướng chung của Bộ GD-ĐT.

Bảo đảm lộ trình đề ra

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn nội dung GDĐP căn cứ vào đặc điểm từng vùng miền và biên soạn theo chủ đề. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các nội dung giáo dục cũng như đánh giá môn học theo quy định...

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) xây dựng mô hình nhà ở đặc trưng của người dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, ngày 10/10/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 2957/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung GDĐP trong Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục đích của nội dung GDĐP là: giúp học sinh gắn kết kiến thức được học với những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đang đặt ra tại địa phương; trang bị kiến thức về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn; tăng cường hứng thú học tập qua các bài học gần gũi với cuộc sống xung quanh; tự hào và có ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương…

Tài liệu GDĐP thuộc 7 lĩnh vực (văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường) được thực hiện ở các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...

Tùy vào từng cấp học mà nội dung, thời lượng, công tác tổ chức dạy và học cho học sinh cũng khác nhau. Cụ thể, nội dung GDĐP ở bậc tiểu học được tích hợp với hoạt động trải nghiệm trong khung thời lượng 105 tiết học/năm học; bậc THCS và THPT tương ứng 1 môn học với thời lượng 35 tiết học/năm học…

Để biên soạn tài liệu GDĐP, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, thực hiện kế hoạch biên soạn tài liệu GDĐP. Đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản hoàn thành tài tiệu GDĐP đối với các khối lớp triển khai Chương trình GDPT 2018; trong đó 3 bộ tài liệu đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt (tài liệu lớp 1, lớp 2, lớp 6), 3 bộ (tài liệu lớp 3, lớp 7, lớp 10) đã trình Bộ GD-ĐT chờ duyệt.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc biên soạn tài liệu GDĐP có những thời điểm đối mặt với khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dạy thực nghiệm (do ảnh hưởng của dịch COVID-19); nhiều tài liệu biên soạn lần đầu cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tài liệu lớp 10 đối với bậc THPT triển khai khá chậm.

Đây cũng là thực tế chung trên cả nước hiện nay bởi đây là năm đầu tiên thực hiện ở bậc THPT; nội dung GDĐP THPT cũng đòi hỏi sự chuyên sâu hơn so với bậc tiểu học và THCS. Sở đang nỗ lực thực hiện theo lộ trình sách giáo khoa mới được triển khai tới đâu thì sử dụng tài liệu GDĐP tới đó theo yêu cầu Bộ GD-ĐT đưa ra.

Đa dạng cách thức thể hiện và tổ chức dạy và học

Trên thực tế, ngoài bảo đảm tiến độ, lộ trình Bộ GD-ĐT đề ra thì việc thực hiện nội dung GDĐP đang được căn cứ vào mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh. Đơn cử, cuốn tài liệu GDĐP lớp 2 có 36 trang, được xuất bản tháng 11/2022 gồm 5 chủ đề: Đắk Lắk – Vùng đất và con người; Thầy giáo Y Jut H’wing – Người con ưu tú của dân tộc Êđê; Lễ hội cộng đồng; Cây ăn trái ở tỉnh Đắk Lắk...

Qua đó, học sinh có thể khám phá, trải nghiệm và nâng cao hiểu biết về cảnh đẹp thiên nhiên, con người và các giá trị văn hóa, lịch sử… của tỉnh nhà.

Học sinh Trường THCS Hòa Đông (huyện Krông Pắc) tham gia tìm hiểu về các di tích lịch sử trong hoạt động giáo dục địa phương. Ảnh: Thanh Huệ
 
GDĐP là nội dung bắt buộc của Chương trình GDPT 2018; có thể thực hiện rải đều trong suốt năm học hoặc một học kỳ tùy thuộc vào kế hoạch dạy học của mỗi cơ sở giáo dục".
 
Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT

Còn cuốn tài liệu GDĐP lớp 6 có 76 trang gồm 3 phần (văn hóa, lịch sử; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội, môi trường) với 14 bài học. Các bài học bao quát chiều dài lịch sử từ thời nguyên thủy đến hiện tại; vị trí địa lý và các làng nghề cũng như vấn đề bảo tồn động vật hoang dã ở Đắk Lắk…

Lượng kiến thức tài liệu GDĐP ở lớp 6 nhiều hơn so với lớp 2, còn hình ảnh tài liệu địa phương lớp 2 lại gần gũi, phong phú hơn lớp 6. Điều này đã cơ bản đáp ứng được mức độ, nhu cầu tìm kiếm thông tin của học sinh.

Em Trần Ngọc Thùy Linh, học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, môn GDĐP đã giúp em có những kiến thức nhất định về văn hóa, du lịch của tỉnh. Trong đó, ấn tượng nhất là các thông tin về lễ hội, đặc trưng văn hóa của một số dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, bộ máy hành chính tỉnh Đắk Lắk…

Đặc biệt là em cùng với 6 bạn trong tổ đã cùng nhau làm bài tập nhóm môn học này; cùng trải nghiệm “xây dựng” mô hình nhà dài của người Êđê bằng các vật dụng dễ dàng mua ở cửa hàng tạp hóa, nhà sách…

Các trường cũng linh hoạt tổ chức dạy nội dung GDĐP theo nhiều cách thức khác nhau phù hợp với lứa tuổi học sinh, nội dung bài học.

Một số trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để trưng bày, giới thiệu tranh, ảnh về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hay trình chiếu các video tư liệu liên quan để học sinh tìm hiểu; tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại địa phương…

Đơn cử như năm học 2022 - 2023 Trường THCS Hòa Đông và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé (huyện Krông Pắc) đã thực hiện nội dung GDĐP tại trường thông qua việc phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Chương trình Tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa địa phương.

Qua đó, học sinh được tìm hiểu về các di tích lịch sử đã được xếp hạng của tỉnh; đi từ nắm bắt thông tin trong sách giáo khoa đến trao đổi và được giải đáp các thắc mắc liên quan đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đặc biệt là công tác bảo vệ các di tích lịch sử… Đây là những nội dung mới, gần gũi với học sinh, giúp các em có những hiểu biết nhất định về công tác bảo tồn, phát huy di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.