Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nhà ở: Hướng đến mục tiêu an cư và hài hòa cảnh quan

08:09, 10/02/2023

Ngành chức năng đang lấy ý kiến xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045 (chương trình).

Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn, phản biện chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức mới đây, các nhà khoa học đã có những ý kiến tư vấn, phản biện tâm huyết hướng đến mục tiêu an cư và phát triển cảnh quan tỉnh nhà.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Phan Thanh Dự thì chương trình nên xem xét, xác định mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể từng giai đoạn (2021 – 2025; 2025 – 2030). Các chỉ tiêu cụ thể được xác định theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (diện tích nhà ở bình quân đầu người tại đô thị, nông thôn; diện tích nhà ở tối thiểu; số lượng nhà ở; tổng diện tích sàn nhà ở cần xây dựng; chất lượng nhà ở tại đô thị và nông thôn…). Cùng với đó là cơ chế, chính sách, bố trí nguồn kinh phí ưu đãi để khuyến khích cá nhân, tổ chức nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ mới trong thiết kế, thi công các loại hình nhà ở thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Các thành viên tham gia tư vấn, phản biện tại cuộc họp về chương trình phát triển nhà ở.

Về tính dự báo, Hội đồng tư vấn, phản biện cho rằng các dữ liệu đưa ra để phân tích nhu cầu nhà ở chưa khả thi. Đơn cử, toàn tỉnh hiện có 39.754 cán bộ, công chức (4.575 người trong độ tuổi dưới 30; 16.732 người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 40; 13.013 người trong độ tuổi từ 41 đến dưới 50 tuổi; 5.434 người trong độ tuổi trên 51 tuổi), trong đó có người chưa có nhà ở chủ yếu là dưới 30 tuổi (nhóm cán bộ trẻ, mới lập gia đình) nên giai đoạn 2021 - 2030, ước tính có khoảng 3.350 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu về nhà ở là chưa đủ. Số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Nhà ở đều đã có ký túc xá với chất lượng cơ bản tiện nghi nên không xét đến nhu cầu về nhà ở… là thiếu đối tượng. Chưa kể, mục dự báo còn khá sơ sài ở phần tình hình dịch chuyển lao động và nhu cầu nhà ở của đối tượng này.

Phó Giáo sư, Tiến  sĩ Trần Trung Dũng (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng, việc đánh giá nhu cầu phát triển nhà ở cần phân tích sâu hơn các yếu tố gắn bó mật thiết đến nhà ở, cư dân và phân bố dân cư: địa chất, địa mạo, nguồn nước, thảm thực vật tự nhiên, khí hậu và biến đổi khí hậu; dân tộc, văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Phần dự báo nhà ở cần củng cố thêm căn cứ vào các chủ trương, chính sách đặc thù của tỉnh hiện nay bởi thông qua việc thực hiện các chính sách ưu đãi, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đặc biệt là việc hình thành và phát triển các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn sẽ thu hút lượng lớn lao động đổ về; cùng với đó là phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Do đó, chương trình cần tính toán đến việc phát triển nhà ở cho các đối tượng: lao động tại các cụm công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức; sinh viên…

Buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) mang đậm dấu ấn đặc trưng với nhà dài truyền thống của người Êđê.

Còn ở góc cạnh kiến trúc, bản sắc văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên góp ý, Đắk Lắk là tỉnh có đông dân tộc sinh sống và mỗi dân tộc có lối kiến trúc nhà ở đặc thù riêng biệt. Do đó, cần quy hoạch các khu xây dựng nhà ở riêng cho người dân tộc thiểu số để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc; tạo không gian để bảo tồn văn hóa cồng chiêng… Cùng với đó là bổ sung các tiêu chí chất lượng đi kèm bởi theo tiêu chí cột, tường, mái thì nhà ở của người dân tộc thiểu số sẽ không thuộc cấp nào. Ngoài ra, chương trình cũng cần có chiến lược về nhà ở trong việc thu hút người tài, nhà khoa học đến làm việc tại Đắk Lắk.

Thực tế cho thấy, sự chênh lệch cung - cầu về nhà ở đang làm mất cân đối thị trường bất động sản tại Đắk Lắk; dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền và rõ nhất là giá nhà ở ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của đại đa số người lao động. Mặt khác, chương trình phát triển nhà ở là một trong những cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân tham gia phát triển các loại hình nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, nông thôn mới cũng như kích cầu sản xuất, phát triển thị trường bất động sản…

Với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên và đặc biệt là TP. Buôn Ma Thuột có cơ chế đặc thù để phát triển thì đây là cơ hội để xây dựng chương trình phát triển nhà hài hòa, bảo đảm mục tiêu an cư cho người có thu nhập thấp và bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng đô thị xanh, sạch đẹp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.