Multimedia Đọc Báo in

Trao cơ hội xuất ngoại làm việc ngay đầu Xuân Quý Mão

17:29, 02/02/2023

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với chính quyền địa phương cùng một số doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nỗ lực tìm kiếm, tuyển dụng lao động.

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc lần thứ 7, năm 2023 tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) diễn ra từ ngày 31/1 đến 2/2/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cùng hai doanh nghiệp là Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco và Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực Hoàng Hà (Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) cùng tham gia Hội chợ việc làm Xuân 2023 để tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.

Đây là điểm mới trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong năm 2023 nhằm cung cấp thông tin về việc làm, thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động ngoài nước để người lao động thêm cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp hơn.

Người lao độn tìm hiểu thông tin việc làm tại
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Hội chợ việc làm Xuân năm 2023. 

Bà Tạ Thị Lụa, Giám đốc Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco cho biết, ngoài chính sách ưu đãi chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk có chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020), nhờ đó nhiều lao động thuộc các đối tượng chính sách có cơ hội việc làm theo hợp đồng ở nước ngoài, nâng cao thu nhập cho bản thân. Trong hai năm 2021 và 2022, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động, nhưng vẫn có 150 lao động của Đắk Lắk sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng qua kênh của công ty.

Năm 2023, Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco quyết định chọn tỉnh Đắk Lắk là “điểm đến” đầu tiên để tuyển dụng lao động sang Nhật Bản làm việc bởi sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác xuất khẩu lao động. Theo đó, các sở, ngành hữu quan, nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác tư vấn, tuyển dụng lao động. Thêm một “điểm cộng” nữa là lao động của tỉnh Đắk Lắk có sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng - đây là một trong những điều kiện tiên quyết trong các đơn hàng.

Trước đó, vào ngày 29/1 (nhằm mùng 8 Tết), tại phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 được tổ chức tại xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), trong số lao động đến tìm hiểu thông tin, thì 3 lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động Nhật Bản. Ngay sau phỏng vấn, em Phạm Thiện Hùng (sinh năm 2002, ở xã Ea Kiết) quyết định về TP. Hồ Chí Minh tham gia khóa đào tạo nghề, kỹ năng để qua Nhật Bản làm việc.

Đại diện Công ty
Đại diện Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco (thứ 2 từ phải sang) thăm gia đình em Phạm Thiện Hùng (xã Ea Kiết).

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin, sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường lao động khá sôi động, song việc làm của nhiều người lao động vẫn chưa thật sự ổn định, bền vững. Nắm bắt thực tế đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão, tranh thủ khoảng thời gian lao động chưa trở lại làm việc, Trung tâm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và mời một số doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia các phiên giao dịch việc làm nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động để người lao động thêm cơ hội lựa chọn, đăc biệt là xuất khẩu lao động, trong đó đáng quan tâm là thị trường Nhật Bản.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu lao động từ tháng 8/2021 đến 31/12/2022 cho thấy, có 41 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh (gồm: 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, 38 doanh nghiệp ngoài tỉnh). Trong số đó, có 9 đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 5.612 người, qua đó giới thiệu 364 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu đến 9 đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp. Kết quả có 141 lao động xuất cảnh, trong đó thị trường Nhật Bản là 31 lao động.

Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến công tác phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường lao động, xuất khẩu lao động đến với người lao động.

Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm rà soát số đơn vị, doanh nghiệp đã đồng ý cho phép hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ trước đến nay, trên cơ sở đó, lựa chọn những đơn vị, doanh nghiệp uy tín, chấp hành tốt quy định, trực tiếp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tiếp tục phối hợp trong công tác tư vấn, tuyển dụng lao động…

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lưu tâm đến vấn đề nhận thức, trình độ, nhất là đặc trưng tâm lý của lao động dân tộc thiểu số tại chỗ chưa quen môi trường làm việc xa nhà, trong thời gian dài nên chưa sẵn sàng tham gia thị trường xuất khẩu lao động… để khai thác tốt “ khoảng trống” này…

Trong quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm sẽ phối hợp với các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên… tổ chức các buổi tư vấn, định hướng việc làm cho học sinh, sinh viên, học viên sắp tốt nghiệp.

 

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.