Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - an sinh tuổi già

08:13, 07/03/2023

Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là người dân tự trang bị cho mình "tấm thẻ" an sinh vững chắc khi về già. Xác định điều đó, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, thu hút đông đảo lực lượng lao động tự do, nhất là lao động ở vùng nông thôn tham gia.

Thời gian qua, để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH đã phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, người dân đã dần biết đến chính sách BHXH tự nguyện và tham gia để khi về già có lương hưu cũng như được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Lãnh đạo BHXH Việt Nam tặng sổ BHXH cho người dân huyện Cư M'gar.

Tại xã Ea Na (huyện Krông Ana), hai năm qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn có nhiều người dân lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, nhiều người sẵn sàng đóng một lần 5 năm với mức tham gia khá lớn. Đơn cử như chị Phạm Thị Hồng Giang (thôn Tân Thắng) đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 1,3 triệu đồng/tháng và đóng một lần cho 5 năm tiếp theo. Được biết, chồng chị làm việc ở một công ty được đóng BHXH bắt buộc, còn chị buôn bán tại nhà nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện để sau này khi về già cũng có lương hưu mà không phải phụ thuộc vào chồng con.

Hay như ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông), qua công tác tuyên truyền, vận động của các cán bộ, nhân viên thu, ngày càng nhiều người dân địa phương tham gia BHXH tự nguyện. Ông Phạm Văn Khánh, nhân viên thu BHXH chia sẻ, hằng ngày ông đều tranh thủ khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến khoảng 8 giờ tối để đến các hộ gia đình gặp gỡ, chuyện trò. Có thể một, hai lần đầu đến tuyên truyền thì người dân chưa hiểu nên chưa mạnh dạn tham gia, nhưng ông không ngại khó khăn, vẫn cần mẫn theo lịch đến từng nhà để trò chuyện, giải thích để người dân hiểu rồi tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Phạm Văn Khánh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân địa phương.

Như bà Nguyễn Thị Phước Khuê (ở thôn 1), sau khi nghe ông Khánh vận động, đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 850 nghìn đồng/tháng; đến nay, bà đã tham gia được 3 năm. Theo bà Khuê, trước đây, bà cứ nghĩ phải làm ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mới được đóng BHXH. Sau khi được tư vấn bà mới biết có chính sách BHXH tự nguyện dành cho những người lao động tự do. Đặc biệt, khi biết đến lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện không chỉ có lương hưu khi về già mà đồng thời còn được cấp thẻ BHYT, được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng nên bà quyết định tham gia. Bởi bà nghĩ, cuộc sống nhiều biến cố, không thể biết trước được điều gì, cũng không ai muốn đến lúc về già phải phụ thuộc vào con cháu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nên bây giờ còn sức lao động, còn làm việc được thì tham gia BHXH tự nguyện để về già yên tâm, không phải lo cái ăn, cái mặc.

Có thể nói, nếu BHYT là tấm “bùa hộ mệnh” dành cho người dân lúc ốm đau, bệnh tật thì BHXH chính là giải pháp tối ưu hỗ trợ bảo đảm người dân khi về già, không còn khả năng lao động vẫn duy trì được cuộc sống ổn định. BHXH tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy thời gian đóng để được hưởng lương hưu, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động, không được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn ít. Cụ thể, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh chỉ mới có 18.431 người tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, để phát triển đối tượng tham gia, BHXH tỉnh và các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức các buổi đối thoại với người dân; mở rộng và nâng cao chất lượng các đại lý thu; tổ chức hội nghị, tuyên truyền với đối tượng tiềm năng; tặng sổ BHXH. Đồng thời, ký kết thỏa thuận với các sở, ban, ngành tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT... nhằm thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu tầm quan trọng của loại hình được xem như “của để dành” khi về già.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.