Multimedia Đọc Báo in

“Sống chậm” giữa “đời nhanh”

08:24, 23/04/2023

Ngày nay, cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay thật nhanh. Đôi khi, "ngoái đầu" nhìn lại, mình đã bỏ lỡ nhiều thứ. Có nhiều giá trị chứa đựng hạnh phúc mà vì vội vã, mình đã cho qua.

Thời buổi công nghệ, mọi thứ “kích hoạt” theo xu thế của thời đại. Dĩ nhiên, có những lúc “chậm là thua”, là đã bỏ lỡ nhịp phát triển cũng như cơ hội đổi mới chính mình của ngày hôm qua. Thế nên, cần xác định đâu là đích đến của mình trước khi “chạy” đi hay bước tiếp. Để khi có dịp nhìn lại, chúng ta không phải hối tiếc vì cứ mãi miết chạy theo thành công, để rồi bị cuốn vào vòng xoay của công việc, học tập, của công nghệ mà quên mất những điều bình dị xung quanh.

Ba tôi, một lão nông chân chất. Thời đại của ba không có không smartphone, cũng không sóng wifi. Khi về già, con cháu tặng ông chiếc điện thoại thông minh để tiện việc “nghe, nhìn, thấy” khi ở xa nhau. Mỗi khi gia đình có dịp về đông đủ, cháu tôi - những “cư dân thời đại số”- hết đứa này đến đứa kia ra sức hỗ trợ, hướng dẫn ông cách sử dụng smartphone, tải các ứng dụng giải trí để xem cho vui. Một lần, con cháu rủ ông đi uống cà phê, sau buổi cà phê đó, ba tôi về “tuyên bố”: “Sẽ không bao giờ đi nữa, vì chúng nó cứ “dán mắt” vào điện thoại, kể toàn những câu chuyện... về chiếc điện thoại”. Câu nói của ông khiến không chỉ mấy đứa nhỏ mà những người lớn trong nhà cũng phải giật mình “soi” lại.

Chị Hoàng Thị Ánh Tuyến (bìa phải) trong một chuyến đi tặng xe đạp cho học trò nghèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trên nền tảng số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của “cuộc sống số” ngày nay. Thậm chí, nhiều người lấy đó làm “môi trường” sống. Thử nhìn lại có mấy khi chúng ta ngừng lại, chịu buông điện thoại ra để ngẫm nghĩ, sống chậm lại và trân quý những gì đang hiện hữu, để biết những gì mới thực sự là giá trị.

Nhưng chậm như thế nào cho đủ "thấm" thật sâu ý nghĩa của cuộc sống. Chậm để tăng chất lượng sống nhưng vẫn bắt kịp nhịp sống hối hả. Sống chậm không phải là tốc độ dịch chuyển... theo công nghệ, mà thực chất là chậm rãi tưởng thưởng cuộc đời mình.

Sống chậm ở đây không có nghĩa là cho phép mình trì hoãn, hoặc biện minh cho thái độ lười biếng, thiếu trách nhiệm với bản thân. Sống chậm sao cho vừa lợi cho mình, vừa lợi cho người. Sống hướng đến giá trị bên trong, trân trọng những điều bé nhỏ thường ngày và cảm nhận từng phút giây hạnh phúc theo cách của riêng mình.

Bạn tôi, chị Hoàng Thị Ánh Tuyến (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) là giáo viên trung học cơ sở. Chị thích chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của bạn bè, người thân; kỷ niệm hồn nhiên của tuổi học trò mỗi ngày đến lớp hay một hành động đẹp trong cuộc sống mà tình cờ chị bắt gặp rồi chia sẻ với cộng đồng trên mạng. Với chị, đó là lưu giữ những khoảnh khắc vui tươi của cuộc sống, chia sẻ năng lượng tích cực để hướng đến những điều tốt đẹp. Do đó, sẽ thấy yêu thương nhiều hơn.

Chị Vũ Thị Ly Na, 37 tuổi ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) thì tâm sự, thời gian cả nhà cùng đọc một cuốn sách vào ngày cuối tuần, là khoảng thời gian chị “sống chậm” với chính mình nhiều nhất. Bao năm nay, nhà chị vẫn giữ thói quen, sau buổi cơm chiều cuối tuần, mọi người sum vầy, chuyện trò và cùng ngồi nơi sofa, nhẩn nha lật từng trang sách mình yêu thích. Vừa đọc vừa ngẫm ngợi, sau đó mọi người cùng kể cho nhau nghe những điều thú vị từ câu chuyện vừa đọc. Đó cũng là thú vui, hạnh phúc dung dị mà gia đình chị có được.

Chị Trần Thị Hồng Vân (thị trấn Quảng Phú) cảm thấy vui, bình an khi chăm sóc cho những chậu sen đá.

Hạnh phúc là tùy góc nhìn và mỗi người có một cách cảm nhận riêng. Với chị Trần Thị Hồng Vân (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), lúc chăm sóc những giò lan, bụi hồng, chậu sen đá là khoảng thời gian chị thấy thoải mái nhất. Bao nhiều xô bồ, hối hả, lo toan của cuộc sống bỏ lại bên ngoài, chị toàn tâm, toàn ý chăm chút cho từng nhành cây, vui vì thấy một nụ hồng vừa chớm nở, háo hức khi nhìn cây mình chăm có một chồi non vừa nhú lên sau nách lá. Nhóm bạn cùng sở thích như chị, thi thoảng rảnh rỗi lại gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc cây; biếu, tặng nhau vài giống cây lạ để bổ sung vào “bộ sưu tập” sen đá của mình. Theo chị, cho đi cũng là một  “thể loại” của hạnh phúc!

Ngẫm lại để thấy, những giây phút được là chính mình, sống chậm để vui, thỏa thích với những bay bổng trong lòng, có khó gì đâu. Khi bớt sự lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, ipad... vào những thời gian không thực sự cần thiết cũng là một cách tận hưởng cuộc sống.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc