Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với bệnh liên cầu lợn

06:30, 21/05/2023

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số ca mắc liên cầu lợn sau khi ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, trong đó chủ yếu là tiết canh.

Khoảng nửa tháng trước, ông Y.T.B. (SN 1979, trú tại buôn Briêng B, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) tham gia mổ lợn và ăn tiết canh cùng với nhiều người tại một đám giỗ của người thân. Sau khi ăn khoảng 5 tiếng, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau bụng, ù tai, dù người nhà đã mua thuốc cho uống nhưng không thuyên giảm.

Sau 3 ngày điều trị tại nhà mà triệu chứng ngày càng nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt cao, huyết áp tăng cao, đau đầu, buồn nôn, đau nhức tai trái, sưng hạch quai hàm, hội chứng màng não.

Sau một ngày nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng thần kinh nặng nề hơn, kèm theo tức ngực, đau đầu nhiều, xuất hiện herpes ở môi, miệng và các nốt tử ban ở ngực, lưng. Qua khai thác tiền sử, các biểu hiện của bệnh, các bác sĩ đã tiến hành chọc dò tủy sống, kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn.

Bệnh nhân điều trị viêm màng não do ký sinh trùng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nhập viện do liên cầu lợn. Bệnh nhân P.K.T. (sinh 1991, trú huyện Ea H’leo) sau khi ăn tiết canh lợn thì có dấu hiệu sốt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa. Nhờ được nhập viện điều trị kịp thời nên bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ và xuất viện sau 2 tuần điều trị.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, mặc dù đã được cảnh báo nguy cơ mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống, song trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận 5 - 7 trường hợp mắc bệnh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã ghi nhận 2 trường hợp bị nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Đây là bệnh cấp tính nặng, có hai nhóm lâm sàng chính là nhiễm trùng máu và viêm màng não mủ. Đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, rất dễ tử vong và nếu điều trị khỏi cũng để lại di chứng nặng nề. Khoảng 5 năm về trước, đây là nhóm bệnh phổ biến tại miền Trung - Tây Nguyên. Theo một nghiên cứu y khoa, có tới 43% bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn, nguyên nhân là do ăn uống.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám sức khoẻ cho bệnh nhân mắc liên cầu lợn.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong do liên cầu lợn gây ra là khoảng 7%. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng nhiều người dân còn rất chủ quan với bệnh này. Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn và các bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống do ký sinh trùng gây nên, bác sĩ Phạm Hồng Lâm khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh và các nội tạng động vật chưa được nấu chín, ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da. Tuy chưa có vắc xin điều trị nhưng vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ, chính vì vậy cách tốt nhất để tránh lây nhiễm bệnh là ý thức của người dân trong việc chủ động phòng ngừa.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.