Multimedia Đọc Báo in

“Dừng cưỡi… hãy cười cùng voi”

08:34, 14/05/2023

Thay vì cưỡi trên lưng những chú voi như trước, giờ đây du khách khi đến với sản phẩm du lịch voi Đắk Lắk sẽ tham gia những hoạt động tương tác thân thiện với voi như: cho voi ăn, chụp hình cùng voi…

Cười cùng voi

Là nơi cung cấp loại hình du lịch đặc trưng – cưỡi voi rất thu hút du khách khi đến với Đắk Lắk, tuy nhiên, trước sự giảm sút của đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh, để chung tay bảo tồn đàn voi nhà, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị làm du lịch đã chuyển đổi mô hình du lịch từ cưỡi voi sang thân thiện với voi.

Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện (thuộc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk) là đơn vị tiên phong trong việc dừng hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (từ ngày 10/2/2023) chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Khách tới đây sẽ tham gia các hoạt động: cho voi ăn, ngắm voi, chụp hình cùng voi…, với thông điệp “Dừng cưỡi… cười cùng voi”.

Du khách ngắm voi thưởng thức tiệc buffet.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện các sản phẩm du lịch trải nghiệm với voi theo hướng thân thiện, với mong muốn làm thay đổi khái niệm du lịch trải nghiệm với voi. Để du khách đến với Đắk Lắk không phải vì mong muốn được cưỡi voi mà chính bởi tình yêu với đàn voi và nhớ tới Đắk Lắk vì vùng đất này có voi. Du khách chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi mình là người đã được gặp trực tiếp con voi đó. Và nếu có cơ hội, họ sẽ quay lại để thăm và chăm sóc nó lần nữa”.

Để bảo tồn loài voi, trước đó, vào tháng 7/2018, Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn nhằm chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi tại Vườn. Đây là mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng trong nước cũng như quốc tế. Theo đó, từ năm 2018 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã đàm phán và đưa 6 cá thể voi nhà về sống trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Chương trình du lịch còn là một giải pháp bền vững khi vừa đảm bảo được sức khỏe và sự tự do thoải mái cho voi, trong khi vẫn tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Cùng nhau thay đổi

Trên thực tế, việc chuyển đổi mô hình du lịch với voi là việc cần làm và phải làm đối với các đơn vị kinh doanh du lịch cũng như các chủ voi nhằm bảo tồn đàn voi nhà trước nguy cơ xóa sổ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng gặp không ít thử thách, nhất là ảnh hưởng đến doanh thu du lịch cũng như sinh kế cho các chủ voi.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện, quản lý trực tiếp tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn cho biết, mặc dù đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó cho công việc xây dựng các sản phẩm du lịch thay thế và đào tạo các kỹ năng hướng dẫn du khách khi tham gia các tour du lịch thân thiện với voi… nhưng khi dừng dịch vụ cưỡi voi (từ ngày 10/2/2023) đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu bị giảm đi rất nhiều. Trước tình hình đó, đơn vị cũng động viên và hỗ trợ một phần cho những hộ gia đình có voi tập trung chăm sóc voi để họ học tập và dần làm quen với mô hình khai thác mới.

Du khách trải nghiệm cho voi ăn tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn.

Vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Dự án hướng tới thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi, đồng thời hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc voi nhằm bảo đảm voi được bảo tồn, chăm sóc, kéo dài tuổi thọ. Nguồn kinh phí cho dự án là hơn 55 tỷ đồng, do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tài trợ. Tuy nhiên, để bảo đảm mô hình này phát triển bền vững, ngoài vấn đề về kinh phí bảo tồn, thì việc đồng hành của các đơn vị kinh doanh du lịch, chủ voi vẫn là yếu tố then chốt. Cùng với đó, tăng cường huấn luyện cho voi nhiều động tác, đào tạo thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trải nghiệm với voi.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.