Hướng đến phát triển bảo hiểm xã hội toàn dân
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), những năm qua, các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã được triển khai và đạt nhiều kết quả, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách; giúp người dân ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia.
Bảo hiểm xã hội – điểm tựa cho người lao động
Hiện nay, chính sách BHXH được triển khai thực hiện dưới hai loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc không chỉ giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già mà còn trợ giúp họ khi không may ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hay chế độ thai sản. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã được hỗ trợ kịp thời theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ, việc hỗ trợ này vừa góp phần giúp người lao động có thêm nguồn chi phí cho sinh hoạt, đời sống, vừa củng cố thêm niềm tin vào hệ thống an sinh của đất nước. Đối với BHXH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2021 đã chi từ các nguồn quỹ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng; trong đó, đã chi hỗ trợ cho khoảng 50.000 người lao động với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết chế độ, thủ tục hành chính cho người tham gia BHXH, BHYT. |
Cùng với chính sách BHXH bắt buộc, để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện cũng đã được triển khai tích cực. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời. Hiện nay, Dự thảo Luật BHXH cũng đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng cơ hội, gia tăng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng. Đó là việc bổ sung chế độ thai sản; tăng mức hỗ trợ tiền đóng; giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu…
Có thể thấy, chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được xây dựng có lợi cho người lao động khi mà mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống cho người tham gia. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu; đặc biệt, trong các năm qua, dù tình hình kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lương hưu, trợ cấp BHXH vẫn được điều chỉnh tăng với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Bảo hiểm y tế – sẻ chia rủi ro
Cùng với chính sách BHXH, BHYT là chính sách ưu việt, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn.
Bảo hiểm xã hội tỉnh ra quân tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT. |
Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng; trong đó, nhiều trường hợp đã được chi trả với số tiền lên đến hàng tỷ đồng/năm. Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Ngoài ra, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng… Đơn cử như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Tập (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có con bị xuất huyết não phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) hơn 2 tháng, được BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng.
Để phát triển tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, những năm qua, ngành BHXH và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội thực hiện việc mua thẻ BHYT cho các hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; nhất là hộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, là quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng gồm: hộ cận nghèo; hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh đã tiếp sức giúp người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động; bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh và được khám chữa bệnh. Nhờ đó, người lao động và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia.
Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH; trong đó tháng 5 hằng năm được chọn là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 3/2023, toàn tỉnh có 107.219 người tham gia BHXH bắt buộc; 17.452 người tham gia BHXH tự nguyện và 1.621.517 người tham gia BHYT. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc