Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe và sẻ chia với công nhân lao động

08:14, 30/05/2023

Với chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức", các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023. Qua đó, góp phần chăm lo cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời lan tỏa vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động.

Lắng nghe công nhân nói

Trước khi tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Tại đây, các ĐBQH đã lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật…

Chị Hoàng Thị Luận (công nhân Công ty TNHH Thương mại An Trung Mạnh) bày tỏ, vấn đề được nhiều công nhân quan tâm nhất hiện nay là hỗ trợ xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân làm việc tại khu công nghiệp để họ yên tâm lao động, sản xuất… Bởi hiện nay, các lao động nữ sau khi nghỉ chế độ sinh con 6 tháng phải đi làm lại; trong khi đó, các cơ sở giữ trẻ công lập hầu như không nhận giữ trẻ 6 tháng tuổi. Do đó, nhiều người buộc phải gửi con ở các cơ sở tư nhân với mức phí khá cao, chứ không dám nghĩ đến việc thuê người trông riêng con em mình. Với mức lương công nhân trung bình khoảng 5 – 7 triệu đồng thì ngoài chi phí gửi con, còn phải chi tiêu ăn uống, sinh hoạt khiến họ lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, nhiều người đành phải gửi con về quê nhờ ông bà trông nom. Vì thế, việc xây dựng nhà trẻ, trường học tại khu công nghiệp đang là nhu cầu bức thiết hiện nay của các công nhân lao động.

Chị Hoàng Thị Luận nêu kiến nghị tại buổi đối thoại.

Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm của đông đảo công nhân là cần tạo điều kiện xây dựng các thiết chế văn hóa để công nhân lao động có nơi vui chơi, giải trí, giao lưu sau giờ làm việc. Anh Nguyễn Văn Hiếu - đại diện công nhân Nhà máy Chế biến chỉ thun (Công ty Cao su Đắk Lắk) cho biết, hiện nay, các thiết chế văn hóa, thể thao ở khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân; các công nhân sau giờ làm việc không có chỗ vui chơi, giao lưu, sinh hoạt văn hóa – thể thao. Do đó, mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, xây dựng để góp phần cải thiện môi trường làm việc, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân.

Cũng tại buổi đối thoại, các công nhân lao động đã có cơ hội bày tỏ tiếng nói, mong muốn của mình trên nhiều vấn đề như: cần có chế độ độc hại cho công nhân lao động làm việc trong ngành chỉ thun; giảm giờ làm cho công nhân lao động như giờ làm việc của cán bộ công chức; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ riêng cho công nhân lao động là người dân tộc thiểu số về nhà ở, vốn vay, đào tạo nâng cao tay nghề; về chính sách tăng tuổi nghỉ hưu…

Có thể nói, công nhân lao động là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những ý kiến, kiến nghị thiết thực, trách nhiệm của các cán bộ đoàn viên, người lao động nhằm bảo đảm quyền lợi, chế độ chính đáng của mình. Do vậy, rất cần có nhiều hơn nữa những diễn đàn, những cuộc đối thoại có tính chất hệ thống, quy mô, trực tiếp, định kỳ giữa công nhân lao động với Đoàn ĐBQH nói chung và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành các cấp nói riêng, từ đó có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và cả đề đạt của họ để xây dựng chính sách sát thực và gắn với thực tiễn người lao động hơn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trước tác động của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình kinh tế, nhiều người lao động đã bị ảnh hưởng đến thu nhập, công việc do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, nhân Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt (công nhân lao động Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê) trước đây làm việc tại Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê. Năm 2022 anh mất vì tai nạn lao động, để lại cho chị gánh nặng nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Chia sẻ với mất mát  của chị, công ty đã nhận chị vào làm buồng phòng và tạp vụ, nhờ vậy cuộc sống của mẹ con chị cũng phần nào ổn định. Chị Nguyệt xúc động chia sẻ: “Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo công ty và các cấp công đoàn tôi rất mừng, mỗi phần quà đối với gia đình không chỉ là hỗ trợ để mẹ con tôi vượt qua khó khăn mà còn là sự động viên to lớn để tôi tiếp tục làm tốt công việc, vươn lên trong cuộc sống”.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Công Bảo trao quà tặng gia đình chị Nguyễn Thị Thanh.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân Nông trường Cao su Phú Xuân) cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Tháng 5/2022, chồng chị là anh Nguyễn Văn Tuấn (đoàn viên công đoàn UBND xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) không may bị tai nạn giao thông qua đời. Một mình chị Thanh phải chăm lo cho ba đứa con nhỏ, với đồng lương công nhân cạo mủ cao su chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng nên lâm vào cảnh túng thiếu. Trước hoàn cảnh đó, các cấp công đoàn dành sự quan tâm đặc biệt cho gia đình chị, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để động viên chị vượt qua nỗi đau và khó khăn, chăm sóc tốt cho các con.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Công Bảo, trong Tháng Công nhân năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên và trao quà tặng cho gần 200 đoàn viên bị tai nạn lao động và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 5 nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ với đoàn viên, người lao động thuộc diện khó khăn, yếu thế, tạo điều kiện để họ và gia đình vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất và công tác...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.