Phát huy sự chủ động của học sinh dân tộc thiểu số trong học tiếng Việt
Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án), những năm qua ngành giáo dục huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều giải pháp sát thực tế, giúp học sinh DTTS chủ động trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo tiền đề để học tập tốt các môn học khác.
Đa dạng hình thức học tiếng Việt
Theo lộ trình của Đề án, việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS được bắt đầu từ bậc mầm non đến tiểu học theo hướng vừa học vừa chơi; giúp học sinh làm quen và học song song các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Những năm qua Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Tân Tiến) đã đa dạng hóa hình thức tăng cường tiếng Việt cho học sinh: thường xuyên tổ chức hoạt động hát, múa, kể chuyện bằng tiếng Việt giữa các khối lớp trong trường, các nhóm trong lớp theo nội dung, kiến thức mà học sinh đang học; xây dựng thư viện thân thiện; hướng dẫn cha mẹ đọc sách cùng con để tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt theo hướng kết nối đa chiều từ trường về nhà…
Cô Nguyễn Thị Như Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp Lá 2, Trường Mẫu giáo Họa Mi hướng dẫn học sinh sắp xếp bảng chữ cái tiếng Việt theo thứ tự. |
Cô Nguyễn Thị Như Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp Lá 2, Trường Mẫu giáo Họa Mi cho biết, lớp có 30 học sinh, trong đó có 13 em là học sinh DTTS. Việc tăng cường tiếng Việt ở lớp Lá chủ yếu là nhận diện và đọc số từ 1 đến 10; nhận diện chữ cái; ghép chữ thành tiếng đơn giản, thông dụng thường dùng cho học sinh từ tên gọi người thân trong gia đình đến tên đồ vật, cây cối… Giáo viên cũng tổ chức các hoạt động học tập theo chủ đề, chủ điểm như nghề nghiệp, gia đình, trường tiểu học; tổ chức trò chơi gọi tên các đồ vật bằng tiếng Việt; yêu cầu học sinh sử dụng tiếng Việt trong trường, trong lớp…
Tương tự, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tân Tiến) cũng có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tế, phát huy sự chủ động của học sinh DTTS trong học tiếng Việt. Năm học 2022 - 2023 trường có 467 học sinh, trong đó gần 70% là học sinh DTTS. Đa số các em ngại giao tiếp bằng tiếng Việt, vốn từ vựng còn hạn chế, do đó nhà trường đã chủ động trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho học sinh, ngoài các buổi dạy chính khóa còn tăng thời lượng dạy tiếng vào một số ngày học trong tuần…
Cô Lê Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự chia sẻ, tiếng Việt là nền tảng để học sinh DTTS học các môn học khác. Ngay khi kết thúc năm học 2021 – 2022, nhà trường đã triển khai kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong thời gian hè.
Cụ thể là xây dựng kế hoạch dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh từ khối lớp 1 - 3; bắt đầu học vào ngày 8/8/2022 với thời lượng 5 buổi/tuần; đến hết tháng 8 thì khối lớp 1 đã học được 60/90 tiết tăng cường tiếng Việt năm học 2022 - 2023; khối lớp 2 và 3 là 60/70 tiết. Qua đó đã giúp học sinh DTTS có cơ hội được học đọc, giao tiếp bằng tiếng Việt sớm, nhiều hơn, đáp ứng phần nào yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt
Theo kinh nghiệm thực tế của các cơ sở giáo dục, ngoài bảo đảm thời lượng tiết học theo quy định thì việc tăng cường tiếng Việt phải được thực hiện thường xuyên ở các tiết học khác, tại gia đình, xã hội.
Cô Dương Thị Kim Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho rằng, dạy tiếng Việt mới chỉ là tiền đề căn bản. Muốn học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt thì việc theo dõi, phát hiện lỗi sai và chỉnh sửa cho học sinh cần phải thực hiện thường xuyên ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục của trường; tạo môi trường sử dụng tiếng Việt cho học sinh khi giao tiếp với bạn bè, người thân, gia đình...
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đọc sách tại thư viện thân thiện của trường. |
Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc tổ chức các trò chơi theo hướng tăng cường tiếng Việt cho học sinh sẽ thôi thúc các em chủ động nói tiếng Việt, ghi nhớ bối cảnh và cách sử dụng từ mới, mẫu câu… một cách hiệu quả”. Cô Lê Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự
|
Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc, trong quá trình triển khai Đề án, ngành giáo dục địa phương đã quán triệt đến cơ sở giáo dục về việc tạo môi trường sử dụng tiếng Việt, khơi gợi, phát huy sự chủ động sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS. Do đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động thực hiện đúng lộ trình Đề án đưa ra theo điều kiện thực tế tại đơn vị; ở lớp 1, lớp 2 tập trung tối đa thời lượng để dạy tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt; ứng dụng bộ tài liệu “Em nói tiếng Việt” lớp 1; “Tăng cường tiếng Việt” lớp 2 của Đề án nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói cho học sinh...
Ông Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc nhấn mạnh, nói tiếng Việt ở môi trường học đường là chưa đủ mà cần phải tạo môi trường sử dụng tiếng Việt thường xuyên.
Để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh DTTS, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn cha mẹ học sinh, cộng đồng sử dụng bộ tài liệu của Đề án để hỗ trợ học sinh tăng cường tiếng Việt ngoài thời gian học ở trường; vận động các gia đình DTTS cho con em đến trường học 2 buổi/ngày; tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi và xây dựng môi trường sử dụng tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, bồi dưỡng năng lực sử dụng tiếng DTTS cho giáo viên dạy trẻ ở vùng DTTS để tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc