Để niềm vui trọn vẹn
Có thể nói, tăng lương cơ sở vào thời điểm này là nỗ lực lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên để niềm vui tăng lương được trọn vẹn, cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ khác để bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Ba năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề. Chính vì thế, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc áp dụng mức lương cơ sở mới là điều rất cần thiết. Tăng lương cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước. Đây cũng là tiền đề để tiến tới thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc.
Bên cạnh những yếu tố tích cực đối với người hưởng lương, việc tăng lương cũng thường kéo theo tình trạng tăng giá các mặt hàng do hiệu ứng tâm lý. Theo Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh Phạm Thị Anh Đức, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 là điều hết sức cần thiết, bởi với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp công lập thì tiền lương là thu nhập chính của họ. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người cho rằng mức lương cơ sở mới vẫn chưa tiệm cận được với đời sống thực tế. Vì vậy, việc tăng lương cơ sở cũng để lại “nỗi lo” rằng giá cả thị trường và các khoản phí đóng theo lương đều tăng theo. Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh mức lương cơ sở, các cơ quan quản lý cũng cần phải kiểm soát giá cả tiêu dùng, tránh tình trạng lương tăng nhưng không đuổi kịp tốc độ tăng của giá tiêu dùng. Có như vậy cuộc sống người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mới đảm bảo được.
Cán bộ UBND xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) hướng dẫn người dân làm hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh: Tuyết Mai |
Theo ghi nhận của phóng viên, việc tăng lương cơ sở cũng nhận được sự quan tâm của các hộ kinh doanh, buôn bán. Theo các tiểu thương, sau đại dịch COVID-19, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều nên nhu cầu tiêu dùng cũng giảm sút, khiến việc buôn bán của tiểu thương cũng trở nên khó khăn hơn. Hiện tại, giá thịt heo cũng đã tăng từ 10 - 20 nghìn đồng/kg, các loại thực phẩm công nghệ cũng tăng nhẹ từ vài trăm đồng đến vài nghìn đồng/sản phẩm. Với đà tăng giá như thế này, dự báo trong thời gian tới sức mua và tiêu thụ hàng hóa sẽ tiếp tục giảm.
Trong khi đó, nhiều lao động tự do, nông dân cũng tỏ ra e ngại một số vấn đề phát sinh khi tăng lương cơ sở. Ông Nguyễn Hữu Tạo (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cho biết, thực tế cho thấy qua những lần tăng lương cơ sở cho người lao động hưởng lương từ ngân sách đã kéo theo giá cả các mặt hàng cũng tăng theo. "Thậm chí, lương cơ sở chưa tăng nhưng giá cả đã rục rịch tăng. Do đó, để bảo đảm cuộc sống của người dân, bên cạnh việc điều chỉnh mức lương cơ sở, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý cần có những giải pháp kiểm soát giá cả tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nhằm tránh tình trạng tăng lương không theo kịp tăng giá", ông Tạo nói.
Có thể thấy, để chính sách tăng lương có thể đạt được ý nghĩa, mục đích một cách trọn vẹn thì các cơ quan chức năng cần tăng cường những giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Mai Lê Minh
Ý kiến bạn đọc