Multimedia Đọc Báo in

Đi qua miền thân thiện

08:32, 25/06/2023

Là một trong những buôn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc của người Êđê như: nhà dài, bến nước, nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và các món ẩm thực truyền thống, buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang trở thành điểm đến yêu thích trong hành trình tham quan của du khách bởi những nét rất riêng của một buôn trong lòng thành phố.

Thích thú thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, những giá trị văn hóa còn được lưu giữ cùng sự thân thiện của người dân nơi đây, bà Lê Thị Lâm (du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên, vì giữa khu vực đô thị lại có buôn làng vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa như thế. Không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh với nhiều cây xanh mát; các dịch vụ ăn uống, lưu trú đều tốt; đặc biệt là người dân rất mến khách, thân thiện… Đây chính là những điểm cộng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp khi chúng tôi đến nơi này”.

Nét đẹp bình yên, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của buôn Akô Dhông thu hút du khách.

Theo ông Y Jeon Niê (buôn Akô Dhông), để tạo được những ấn tượng tốt đẹp, níu giữ được bước chân du khách là cả một quá trình dài lâu và cả hệ thống chính trị, cộng đồng của buôn đều vào cuộc, cùng chung tay vun đắp. Đó là sự nối tiếp gìn giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha để lại qua những lời dặn dò của cố già làng Ama H’Rin; đó là sự đồng lòng phối hợp tổ chức các dịch vụ, tour, tuyến giữa các tổ chức, cá nhân, người dân trong buôn; và đó còn là sự hỗ trợ của Nhà nước trong các chính sách ưu tiên xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng…

 

“Thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về hoạt động du lịch cho người dân các buôn; UBND tỉnh cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử người Đắk Lắk văn minh – thân thiện – mến khách. Qua đó để mỗi người dân đều có thể trở thành một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch và cùng với sự thân thiện, lối sống mộc mạc, giản dị, tình cảm chân thành, ấm áp của người dân bản địa sẽ góp phần thu hút lượng du khách đến với địa phương ngày càng nhiều hơn…” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu.

“Trong thời gian qua, ngành văn hóa của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay; tập huấn du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương… Sau khi tham gia tập huấn, người dân trong buôn đã được trang bị thêm nhiều kiến thức thực tế để áp dụng vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với gia đình và buôn làng mình”, ông Y Jeon Niê vui vẻ nói.

Không riêng buôn Akô Dhông mà một số buôn làng khác trên địa bàn tỉnh cũng đã có những hướng đi mới trong làm du lịch cộng đồng; trong đó có thể kể đến như buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đã từ lâu trở thành điểm đến yêu thích và khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch. Là buôn có lịch sử khá lâu đời cùng nét văn hóa độc đáo của 11 dân tộc cùng chung sống, buôn Trí có nhiều điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Trải qua hàng trăm năm định cư, đến nay người dân nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tín ngưỡng, ẩm thực và trang phục. Hiện nay, trong buôn có trên 100 nhà sàn truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hằng năm nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức sôi nổi như Tết Bunpimay; ngày hội văn hóa các dân tộc; lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi… đã tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách.

Sinh ra và lớn lên tại buôn Trí, với hai dòng máu: mẹ là người Lào, bố là người Êđê, em Sáo Bun Trâm Adrơng hiện đang là hướng dẫn viên của Khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn trò chuyện: “Là người con của buôn làng, em đã chọn nghề hướng dẫn viên du lịch với mong muốn giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến nhiều người biết hơn. Hiểu được rằng chính sự thân thiện, mộc mạc, dân dã cùng những nét độc đáo về văn hóa là điểm nhấn thu hút du khách, bản thân em cùng mọi người trong buôn luôn xác định mỗi người dân có vai trò là một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch để giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn du khách khám phá, thưởng thức những sắc màu văn hóa nơi đây...”.

Đùa vui bên hồ Lắk. Ảnh: Hữu Hùng

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng không chỉ dựa vào các yếu tố thuận lợi của cảnh quan thiên nhiên, mà yếu tố đặc biệt, gây ấn tượng nhất vẫn là con người và những nét văn hóa bản địa độc đáo, hấp dẫn. Và cái “hồn” của du lịch cộng đồng bắt nguồn từ sức hút văn hóa, thể hiện qua cuộc sống bình dị, thường nhật của người dân. Và những người dân ở các buôn làng làm du lịch cộng đồng hôm nay đang nỗ lực thay đổi, tìm ra những hướng đi mới, tạo ra các giá trị, sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo ấn tượng đẹp, xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng thân thiện trong lòng du khách…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.