Multimedia Đọc Báo in

Kết nối phụ nữ khởi nghiệp

08:30, 12/06/2023

Với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và kết nối doanh nghiệp”, Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 không chỉ là dịp ghi nhận, biểu dương những ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của chị em mà còn là nơi để phụ nữ các dân tộc trong tỉnh được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, mở ra cơ hội tiếp cận vốn, kiến thức, thị trường.

Nâng bước khởi nghiệp

Được Hội LHPN tỉnh phát động từ tháng 2/2023, Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, triển khai thực hiện của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh với 84 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Trải qua các vòng: sàng lọc, tuyển chọn hồ sơ, sơ khảo, chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 10 dự án xuất sắc nhất để bước vào phần thi “Chinh phục”. Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, đại diện của 10 dự án đã bước vào tranh tài thông qua thuyết trình dự án và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Hội viên phụ nữ tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trong tỉnh.

Tạo ấn tượng từ vòng loại với nhiều thế mạnh, tiềm năng, được Ban giám khảo đánh giá cao, dự án “Sản phẩm dinh dưỡng từ hạt Kơ nia” của chị Nguyễn Thị Ngọc Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã xuất sắc giành giải Nhất cá nhân tại cuộc thi.

Xuất phát từ mong muốn nâng tầm sản vật địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số tại địa phương, chị Thắng đã dày công nghiên cứu về giá trị của hạt Kơ nia, đồng thời kết hợp với một số loại hạt bản địa để tăng cao giá trị dinh dưỡng. Đối tượng khách hàng chị hướng đến là những người quan tâm đến sống khỏe, sống xanh, ăn chay, ăn theo chế độ duy trì dáng vóc. Hiện nay các sản phẩm do chị làm ra như: Muối vừng Kơ nia, Thanh lứt Kơ nia, Bánh ngói Kơ nia được khách hàng rất ưa chuộng.  Chị Thắng chia sẻ: “Tham gia cuộc thi này, tôi cùng các chị em đã trải qua một hành trình đầy thú vị. Chúng tôi có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, kinh doanh. Đồng thời còn nhận được nhiều sự góp ý, gợi mở từ các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng, mở rộng dự án”.

 

“Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tiếp thêm cảm hứng, ý chí tinh thần giúp hội viên phụ nữ ngày càng tự tin, khởi nghiệp thành công, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh nhà nói chung và của phụ nữ nói riêng ngày càng phát triển ở tầm cao mới cả về số lượng và chất lượng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, tại cuộc thi năm nay, hầu hết các thí sinh tham gia có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng về hình thức và nội dung ý tưởng. Các dự án đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp mới lạ có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu thực tế, trong đó những sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, một số ý tưởng đã có sản phẩm hoàn thiện khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và một số ý tưởng đang trong quá trình hoàn thiện để ra mắt trong thời gian tới. Trong số đó có thể kể đến như dự án “Kinh doanh sản phẩm lá bồ đề thủ công” của chị Đinh Thị Huế (TP. Buôn Ma Thuột) và dự án “Tò he hiện đại” của chị Bùi Ngọc Thanh Thảo (TP. Buôn Ma Thuột) hay dự án “Phát triển nước ca cao lên men” của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Thương (huyện Ea Kar).

Tạo cơ hội để phụ nữ khẳng định vị thế

Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 có bốn hoạt động song trùng diễn ra. Trong đó, 38 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ với hàng trăm mặt hàng đã thu hút trên 1.000 lượt người tham quan, mua sắm, trải nghiệm. Các gian hàng này giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của mỗi địa phương do các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý, sản xuất. Chị Hoàng Thị Ngát (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Đến với Ngày hội, tôi có dịp giới thiệu sản phẩm “Trà thảo mộc Cô Ngát Natural” đã được cấp chứng nhận chuẩn OCOP 3 sao đến với người tiêu dùng, có thêm cơ hội để kết nối với các doanh nghiệp, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm để hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị, công nghệ để thương hiệu Trà thảo mộc Cô Ngát Natural ngày càng phục vụ tốt hơn vì sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ địa phương”.

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh xuất sắc tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ năm 2023.

Một trong những sự kiện được các chị em đặc biệt quan tâm tại Ngày hội chính là Diễn đàn “Chiến lược kinh doanh thời đại 4.0”. Tại diễn đàn này, hội viên phụ nữ được nghe các chuyên gia, diễn giả chia sẻ nội dung chuyên đề: Những vấn đề chung về chiến lược kinh doanh thu hút khách hàng thời đại 4.0; Hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk hiện nay – những cơ hội và thách thức với phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh; “Nâng cấp chiến lược, thay đổi doanh thu” – kinh nghiệm của các doanh nghiệp hàng đầu.

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Từ những băn khoăn, trăn trở của chị em vì thiếu hụt các kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp trong quá trình hội nhập, chuyển đổi số, chúng tôi tổ chức Diễn đàn nhằm trang bị kiến thức, kinh nghiệm và những giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thời đại 4.0; thông tin về sự đồng hành của các cấp, các ngành về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử, qua đó giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng các nền tảng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần khích lệ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.