Multimedia Đọc Báo in

"Truyền lửa" cho phụ nữ khởi nghiệp

08:19, 24/05/2023

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Cư Kuin đã đồng hành, "truyền lửa" cho nhiều chị em phụ nữ tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Tiếp sức khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nhưng bằng sự cố gắng và tinh thần vươn lên, chị Dương Thụy Phương Khuyên (47 tuổi, xã Ea Ktur) đã xây dựng thành công thương hiệu “Khô bò Phương Khuyên”. Bắt tay vào làm khô bò từ năm 2014 với mục đích phục vụ gia đình vào những dịp lễ, Tết, nhờ sản phẩm ngon, chất lượng nên khô bò do chị Khuyên làm được người thân, bạn bè biết đến. Nhận thấy sản phẩm khô bò có tiềm năng, tuy là món ăn vặt nhưng được nhiều người ưa thích, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, số lượng lớn nên chị Khuyên quyết định đầu tư máy móc, mở rộng kinh doanh và đi vào sản xuất chuyên nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Kuin Phúc Bình Niê Kdăm (đứng giữa) cùng cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ.

Sau gần 10 năm “bén duyên” với sản xuất khô bò, việc làm ăn của chị Khuyên ngày càng thuận lợi, khô bò làm ra "cung không đủ cầu" và luôn được người mua khen ngợi, chị Khuyên mạnh dạn vay tiền từ nguồn vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư Kuin để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Tiêu chí đặt ra trong sản xuất, kinh doanh của chị Khuyên đó là sản phẩm phải được chế biến từ 100% thịt bò sạch, các nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng cùng quy trình sản xuất chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm khô bò của chị Khuyên đã từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, sản phẩm "Khô bò Phương Khuyên" đã tham gia đánh giá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và được Hội đồng chấm điểm xếp hạng OCOP đạt 3 sao ở cả cấp huyện và tỉnh.

Theo chị Khuyên, ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm, việc kinh doanh khô bò còn giúp bà con nông dân có thêm thu nhập từ việc bán thịt bò, nguyên liệu chế biến và tạo được việc làm cho một số lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện cũng luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh và có cơ hội quảng bá sản phẩm.

Cũng như chị Khuyên, nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội Phụ nữ cùng sự tham gia tích cực của hội viên, mô hình sản xuất của Hợp tác xã Rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp ở thôn Mới, xã Hòa Hiệp đã thực hiện tốt mục tiêu cung cấp nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các hộ dân làm nông nghiệp ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp cho hay, ngoài sự kiên trì, chịu khó học hỏi và không ngừng cố gắng của tập thể các thành viên, thời gian qua, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các cấp Hội Phụ nữ thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, Hội đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã trên các kênh thông tin truyền thông của Hội; lựa chọn, ưu tiên các sản phẩm này tham gia tại hội nghị kết nối giao thương, Ngày hội khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tập huấn cho thành viên hợp tác xã về kiến thức xây dựng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì; cam kết sản xuất sạch, an toàn, từng bước đưa hợp tác xã phát triển bền vững. Hiện tại, với 16 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng của Hợp tác xã Rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp ước tính đạt từ 600 - 700 tấn/năm, giá trị kinh tế trên 2 tỷ đồng, giúp mỗi hộ có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Các sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã đã hình thành được chuỗi cung ứng trên địa bàn huyện và được phân phối ở nhiều tỉnh lân cận.

Đồng hành phát triển

Theo chị Bùi Thị Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư Kuin, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện luôn xác định vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt sau khi Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai thực hiện Đề án với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ. Theo đó, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể an toàn, hiệu quả để khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Từ khi triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm tham gia hưởng ứng của đông đảo hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện với hơn 100 ý tưởng, mô hình đã được hỗ trợ. Hiệu quả mà Đề án mang lại đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, nhất là lao động nữ.

Các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tham gia Ngày hội khởi nghiệp năm 2023.

Chị Bùi Thị Lộc thông tin thêm, để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tăng cường các phong trào thi đua, khuyến khích hội viên mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, qua đó, giúp chị em phụ nữ phát huy tính sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững và truyền cảm hứng cho nhiều ý tưởng của phụ nữ trở thành hiện thực. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm để hội viên có thêm kinh nghiệm và cơ hội phát triển.

Hồng Chuyên - Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.