"Người mẹ" của trẻ khuyết tật
Bằng sự nhiệt huyết với công việc và tình yêu thương vô bờ, nhiều giáo viên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, giúp học sinh khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Tấm lòng người mẹ
Hơn 10 năm gắn bó với công việc dạy trẻ khuyết tật, cô Trần Thị Ngọc Hạ (giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) luôn xem học trò cũng như con của mình, cố gắng hết sức để mang lại điều tốt nhất cho học trò thân yêu.
Ước muốn trở thành giáo viên để giúp đỡ các em kém may mắn vươn lên trong cuộc sống nên sau khi tốt nghiệp THPT, cô Hạ đã quyết định chọn học đại học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. “Lúc ấy, bạn bè, người thân cũng ái ngại, nhiều người ngăn cản khi mình lựa chọn con đường này vì sợ vất vả, nhưng một khi bản thân đã quyết thì sẽ theo đuổi và làm đến cùng”, cô Hạ trải lòng.
Cô Trần Thị Ngọc Hạ trong giờ giảng dạy cho các em khiếm thính. |
Năm 2011, Cô Hạ vào làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Gắn bó với mái trường này, cô nhận thấy các em học sinh nơi đây trong tâm trí có sự tổn thương sâu sắc, luôn tỏ ra rụt rè, nhút nhát. Càng tiếp xúc, càng thấu hiểu về những thiệt thòi mà các em đang chịu, cô cùng các giáo viên ở trường luôn theo sát, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh từng em rồi từ đó có hướng tiếp cận, giảng dạy phù hợp.
Hiện cô Hạ đang chủ nhiệm và giảng dạy tại lớp khiếm thính, mỗi giờ lên lớp, cô và trò không giao tiếp với nhau bằng lời nói mà thể hiện qua biểu cảm khuôn mặt, khẩu hình và ngôn ngữ cơ thể.
Ngoài những môn học theo chương trình của Sở GD-ĐT, còn có những môn đặc thù riêng cho trẻ khuyết tật, giáo viên phải cầm tay từng em để dìu dắt, nỗ lực hết sức để truyền đạt cho các em hiểu. Cô Hạ bộc bạch: “Đa phần các em trong lớp có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, nhiều em gia đình không trọn vẹn, chung sống cùng ông bà... Thấu hiểu và đồng cảm với các em, tôi luôn quan tâm sát sao, chia sẻ, động viên để các em vượt qua khó khăn; ngược lại học sinh cũng gắn bó, yêu thương giáo viên. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Nhân rộng yêu thương
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 186 học sinh, được chia làm 20 lớp, trong đó có 11 lớp khiếm thính, 6 lớp khuyết tật trí tuệ và 3 lớp can thiệp sớm. Là mô hình trường chuyên biệt, giáo viên ở đây không chỉ hiểu và quan tâm học sinh ở lớp mình chủ nhiệm mà luôn nắm hoàn cảnh và bao quát chung hết các học sinh ở trường. Nhờ đó, giáo viên sâu sát với các em và giúp việc giảng dạy đạt hiệu quả hơn.
Nếu như ở lớp khiếm thính, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong truyền đạt, biểu đạt kiến thức thì với trẻ khuyết tật trí tuệ, giáo viên lại càng cần sự kiên nhẫn nhiều hơn bởi các em có khả năng nhận thức hạn chế, nhiều em đôi khi có những hành vi bất thường, làm tổn thương giáo viên, bạn vè và tổn thương chính bản thân mình.
Cô Hoàng Thị Ngát hiện đang phụ trách các em khuyết tật trí tuệ, trẻ bị hội chứng Down và tự kỉ tại Trung tâm nhớ lại: “Có lần vào ngày thứ hai đầu tuần, mình mặc áo dài tới trường thấy có một học sinh ngồi khóc nức nở, mình liền cúi xuống hỏi han và đỡ lên, bất ngờ em học sinh quay ra nhổ nước bọt đầy vào mặt mình. Lúc đó bản thân rất sốc, nhưng đã nhanh chóng trấn tĩnh lại vì cảm thấy thương học trò nhiều hơn là trách”.
Cô Hoàng Thị Ngát cùng các giáo viên hỗ trợ cho trẻ khuyết tật ăn trưa tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. |
Cũng theo cô Ngát, trong lớp nhiều em không làm chủ được bản thân, có em gặp khó khăn về học hành, vận động, tự phục vụ. Bởi thế giáo viên phải dạy cả những điều cơ bản từ việc đi vệ sinh thế nào, mặc quần áo ra sao..., khi các em tập thực hiện được các thói quen đó, dần dà mới dạy thêm kiến thức như: nhận biết chữ, số tùy theo khả năng. Có khi dạy đi dạy lại một vấn đề các em vẫn không hiểu, cô cứ kiên nhẫn, dạy đến khi các em nắm bắt được mới thôi. Đối với cô Ngát, công việc ở đây tuy có phần vất vả nhưng niềm vui lớn nhất là thấy học sinh từng bước phát triển và trưởng thành.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (34 tuổi, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) có con bị rối loạn phổ tự kỉ theo học tại đây tâm tình, đối với trẻ bị hội chứng Down và tự kỉ, mỗi em đều có thế giới riêng của mình, nhưng nếu cứ ở trong thế giới đó, chúng sẽ chỉ mãi là một đứa trẻ. Giáo viên sẽ là người giúp trẻ bước ra thế giới bên ngoài. Khi cho con học tại đây, phụ huynh nào cũng mong muốn con được chăm sóc, dạy dỗ và tiến bộ lên từng ngày. Ở nhà phụ huynh dạy đã khó, với giáo viên lại càng khó hơn. Hành trình này cần phải trải qua thời gian rất dài, đồng thời phụ huynh cần đồng hành cùng giáo viên, tìm hiểu kiến thức, chăm sóc, dạy dỗ các con thì mới có kết quả tốt được.
Cô Hạ, cô Ngát là hai trong số rất nhiều giáo viên đang ngày đêm nỗ lực với công việc chăm lo, nuôi dạy những trẻ em kém may mắn. Các cô chính là những "người mẹ" thứ hai giúp các em vượt qua khó khăn, sớm vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc