Multimedia Đọc Báo in

Tác nghiệp ở Trường Sa

09:22, 27/06/2023

Với các nhà báo, việc được ra thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một điều may mắn, không dễ gì có được.

Giữa mênh mông sóng nước, câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, hậu phương, gia đình; sự vất vả, hy sinh thầm lặng; niềm vui, nỗi buồn của những người lính ngày đêm can trường bám biển, những người dân vượt khó vươn khơi, khẳng định chủ quyền, những thầy giáo tận tình truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống cho những mầm xanh, thế hệ tương lai nơi đảo nhỏ tiền tiêu; chuyện về những ngôi chùa, những lớp học có một không hai trên đảo, những ngọn hải đăng không bao giờ tắt… luôn là đề tài vô tận, hấp dẫn để mọi người có thể khai thác, cho ra đời những tác phẩm hay.

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại đảo Trường Sa Đông.

Uống thuốc thay cơm

Tháng ba âm lịch là thời điểm sóng yên, biển lặng nhất trong năm, rất phù hợp cho những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, có những người cứ bước lên tàu là bị say sóng vật vã. Trong chuyến hải trình đặc biệt của tàu kiểm ngư KN-390 đưa các đại biểu của Quân chủng Hải quân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các nhà báo ra thăm, tặng quà quân và dân ta trên quần đảo Trường Sa khởi hành cách đây không lâu cũng vậy, tuy đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc chống say sóng, song nhiều người vẫn bị nôn thốc tháo, xây xẩm mặt mày, bước đi loạng choạng, chẳng ăn uống được gì.

Đã vậy, chuyến hải trình khởi hành đúng hôm trời có gió mùa Đông Bắc, khiến con tàu liên tục lắc lư, chao đảo. Đến giờ cơm, tuy ai cũng đói và mệt lả nhưng nhiều người vẫn không ăn được, hai chân bủn rủn, không thể nào cất bước. Chia sẻ cùng các đại biểu, bữa nào anh em thủy thủ, bộ phận hậu cần cũng luộc khoai, nấu cháo, pha mì mang đến tận giường, ân cần thăm hỏi, động viên mọi người cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức. Như đã quá quen với công việc, chiến sĩ quân y trong đoàn thường xuyên có mặt thăm khám, kiểm tra, cấp thuốc cho những người bị cảm sốt, nhức đầu, say sóng… khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Sáng hôm sau, trời yên, biển lặng hơn, sóng nước cũng quen dần, các đại biểu đã có thể tự tìm lên boong tàu quay phim, chụp ảnh, trò chuyện cùng anh em thủy thủ hoặc thư thả phóng tầm mắt ngắm cá heo, cá chuồn tung tăng bơi lội. Cánh phóng viên báo chí chúng tôi cũng tranh thủ tìm kiếm đề tài, nhân vật, những câu chuyện trên tàu để khai thác, phục vụ cho các bài viết của mình.

Những người đi trước, về sau

Trong chuyến hải trình đặc biệt này, tại mỗi đảo chìm, đảo nổi, tàu kiểm ngư KN-390 đều dành từ 3 - 4 giờ để các đại biểu lên thăm hỏi, động viên, tặng quà bộ đội và nhân dân. Từ chiếc tàu mẹ đang thả neo ở ngoài khơi, các đại biểu sẽ lần lượt được đưa vào đảo bằng những chiếc xuồng CQ, cứu hộ có sức chứa từ 10 - 15 người. Tuy ai cũng háo hức được lên đảo sớm, song cánh phóng viên luôn được tạo điều kiện cho phép rời tàu trong những chuyến xuồng đầu tiên để thuận tiện cho việc tác nghiệp.

Phóng viên trò chuyện với các chiến sĩ Hải quân.

Mỗi khi đặt chân lên các đảo và nhà giàn, chúng tôi đều tranh thủ tối đa thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò với cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, các nhà sư, nhà giáo và bà con để tìm hiểu về công việc, cuộc sống, tâm tư của họ, để có những đề tài, nhân vật, giúp bạn đọc hiểu hơn về những vất vả, hy sinh thầm lặng của quân, dân Trường Sa. Đi trước về sau, anh em phóng viên, nhà báo thường là những người cuối cùng rời đảo, với hành trang đầy ắp những thước phim, hình ảnh, câu chuyện sinh động, hấp dẫn về những người con ưu tú, trung kiên, vẫn ngày đêm bám trụ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với anh em lính đảo, mỗi lần được đón tàu từ đất liền ra thăm đều là một kỷ niệm khó quên. Song vì nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, những cuộc vui trên đảo chẳng khi nào được đông đủ và trọn vẹn. Gác tình riêng, lo việc chung, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, các anh luôn ngày đêm vững vàng tay súng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiêng liêng, lắng đọng đêm Trường Sa

Ngày thứ tư trong chuyến hải trình, qua khu vực đảo Len Đao, Gạc Ma, cả đoàn mặc áo cờ đỏ sao vàng có mặt đông đủ tại khu vực sân bay trực thăng trên tàu Kiểm ngư để tham gia Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. “Hương trầm khói quện tỏa quanh. Vòng hoa đất mẹ dệt thành Huân chương. Sống không mưu lợi, tầm thường. Hồn thiêng thanh thản ở nơi cõi hằng”, trong không khí thiêng liêng, thành kính, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân thay mặt các đại biểu xúc động đọc điếu văn tưởng nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ; lên án hành động dã man, tội ác của kẻ thù xâm lược; khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam; ghi nhận những cống hiến, hy sinh, vất vả, hiểm nguy mà bộ đội Hải quân và các lực lượng chức năng vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Từ trong sâu thẳm lòng mình, các đại biểu cùng anh em thủy thủ đoàn nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn; góp sức mình xây dựng và bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc; để khát vọng về đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường sớm trở thành hiện thực.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa tuần tra, kiểm soát, bảo vệ mục tiêu.

Thắp nén hương thơm tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy - Tổ trưởng Tổ thiết kế, biên tập (Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân) ôm mặt khóc òa, nấc nghẹn gọi "Bố ơi...". Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bố chị Thủy là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Đình Thơ trước đây cũng công tác tại Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển. Ngày 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma, Thượng úy Lê Đình Thơ cùng 63 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước họng súng bạo tàn, hung ác của kẻ thù xâm lược. Được ra tận nơi thắp hương, tưởng niệm bố và các bác, các chú, chị rất xúc động, tự hào. Tất cả những câu chuyện, hình ảnh xúc động về buổi lễ tưởng niệm thiêng liêng, lắng đọng ấy đều được chúng tôi, những nhà báo có mặt trên tàu ghi lại để chuyển tải đến bạn đọc ngay khi tàu cập cảng Cam Ranh.

Sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển, đã có hàng trăm bài viết sinh động, chân thực được các phóng viên, nhà báo hoàn thành và chuyển tải đến bạn đọc, người xem, người nghe cả trong và ngoài nước. Mỗi tác phẩm ra đời đều là sự kết tinh của mồ hôi, nước mắt, tâm huyết, tình cảm của các tác giả đối với các cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta trên các đảo, nhà giàn.

Với chúng tôi, chuyến ra thăm, tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một kỷ niệm đẹp, không thể phai mờ trong cuộc đời làm báo.

Nguyễn Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.