“Thượng đế” muốn gì ?
Trong dòng chảy của đời sống xã hội, thay vì tiếp nhận thông tin báo chí một chiều và thụ động, ngày nay công chúng có xu hướng xem, đọc những thông tin họ thích, họ cần; hơn thế nữa, họ có nhu cầu tương tác, trò chuyện và đối thoại với báo chí nhiều hơn…
Do đó, đòi hỏi báo chí phải bám sát dòng chảy của đời sống xã hội, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu đó.
Ngày nay, mỗi sáng thức dậy, nhiều người có thói quen sử dụng chiếc điện thoại thông minh để tìm kiếm, nắm bắt thông tin. Để đáp ứng nhu cầu này của người dân, các phương tiện thông tin đại chúng; nhất là các cơ quan báo chí chính thống đã không ngừng cải tiến và phát triển nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Giữa nhiều con đường, cách thức để tiếp cận thông tin thì hệ thống báo chí chính thống trở thành kênh thông tin quan trọng đối với người đọc. Theo đó, báo chí chính thống không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy giúp người dân không bị hoang mang, bối rối trước các luồng thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội; đặc biệt, báo chí còn là cầu nối để người dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng…
Ông Cao Văn Minh (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mỗi lần đọc được những thông tin nóng, vấn đề thời sự trên mạng xã hội, ông thường phải tìm đến các tờ báo chính thống để xác nhận xem sự việc đó đúng hay sai. Bởi thực tế khi có một vài sự kiện nóng xảy ra, các trang mạng xã hội đăng tải rất nhanh, nhưng độ chính xác cũng không cao.
Bạn đọc tìm hiểu thông tin trên Báo Đắk Lắk. |
Có thể nói, so với mạng xã hội, báo chí chính thống thường đăng tải thông tin sẽ không nhanh bằng. Bởi báo chí phải tìm hiểu, kiểm chứng rõ ràng và phải tuân thủ quy định, quy trình chặt chẽ. Tuy chậm, nhưng cái lợi của việc này là bạn đọc được tiếp cận thông tin chuẩn xác nhất, uy tín nhất và phù hợp nhất.
Theo nhiều độc giả, hiện nay không ít tờ báo, người làm báo bộc lộ sự non kém về bản lĩnh chính trị, sự sa sút trong đạo đức nghề nghiệp, lơ là chức năng nhiệm vụ được giao, chạy theo hướng giật tít "câu view" nên đã đăng tải những thông tin phản cảm, nhảm nhí, thậm chí là đi trái với đạo đức người làm báo. Thậm chí, có những tờ báo khi đưa thông tin thì tít bài và nội dung không mấy liên quan với nhau… nhằm thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc để tăng lượt truy cập. Điều này không chỉ khiến người đọc đi chệch lại định hướng thông tin mà có thể còn giảm đi lòng tin của bạn đọc với báo chí. Do đó, người làm nghề báo cũng giống như mọi nghề trong xã hội, cần phải có cái tâm và đức.
Báo chí phải không ngừng nỗ lực cung cấp đến độc giả những thông tin hữu ích, những sản phẩm mang tính sáng tạo, chuyên sâu. Đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của độc giả tất yếu sẽ giữ chân họ gắn bó với tờ báo. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, giữa "rừng" thông tin và sự đa phương tiện hiện nay, mỗi độc giả cũng cần lựa chọn, tiếp cận những cơ quan báo chí chính thống, những thông tin đúng đắn, lành mạnh; không tìm kiếm, cổ vũ thông tin tiêu cực, giật tít "câu view". Xây dựng môi trường thông tin lành mạnh cũng là cách thức để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc