Multimedia Đọc Báo in

Trường THCS Hoàng Văn Thụ (huyện Krông Năng):

Thầy trò vượt khó dạy tốt, học tốt

08:32, 16/06/2023

Đứng chân ở địa bàn trải rộng, nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, dân cư phân bố không tập trung nên công tác dạy và học ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) cũng có nhiều đặc thù riêng.

Ngay từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chi bộ Trường THCS Hoàng Văn Thụ đã phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên về việc đăng ký học tập và làm theo Bác bằng những nội dung, hình thức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của cấp học và điều kiện tại địa phương.

Các thầy cô giáo đã tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua, như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Cùng bạn tới trường”… nhằm khơi dậy tinh thần ham học của học sinh, giúp các em rèn luyện đạo đức, tinh thần tương thân, sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Đổi mới trong cách dạy và học giúp học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ đạt nhiều thành tích trong học tập.

Thầy Bùi Xuân Thin, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, năm học 2022 – 2023, toàn trường có 656 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 576 em (chiếm tỷ lệ 87,7%). Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác dạy và học, cũng như thực hiện tốt việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường mà nhà trường đã duy trì sĩ số học sinh đạt hơn 96%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 39,8%; hạnh kiểm khá, tốt đạt 100%; 100% học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trường có 10 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, một học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó nhiều em là người dân tộc thiểu số. Em Triệu Thị Thùy Linh (dân tộc Nùng, học sinh lớp 9D, năm học 2022 – 2023), học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý chia sẻ: "Những năm qua, sự dìu dắt, dạy dỗ của các thầy cô giáo đã giúp chúng em trưởng thành hơn. Em sẽ nỗ lực không ngừng học hỏi, rèn luyện để không phụ lòng thầy cô giáo đã chắp cánh cho ước mơ của em".

Đặc biệt, tuy còn nhiều khó khăn nhưng trường đã khuyến khích, động viên học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, dự án “Hệ thống máy cuốn ống tự động” do hai em Lê Trà My (dân tộc Tày) và Hoàng Thị Liên (dân tộc Nùng), đều là học sinh lớp 9C, năm học 2018 – 2019, do thầy Nông Phương Thảo hướng dẫn đã đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2019.

Để xây dựng cảnh quan trường học "xanh, sạch, đẹp" và tổ chức một số chương trình giúp các em hứng thú học tập và đến trường, hằng năm giáo viên, nhân viên nhà trường cùng các cựu học sinh thường xuyên ủng hộ nguyên vật liệu, đóng góp ngày công để lát gạch sân trường. Đến nay, toàn bộ sân trường rộng 670 m2 đã được lát gạch sạch, đẹp, an toàn giúp học sinh yên tâm khi vui chơi.

Giáo viên, nhân viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ cùng đóng góp nguyên vật liệu và ngày công để xây dựng sân trường.

Bên cạnh đó, hằng năm thầy và trò Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ học sinh nhà trường có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Phùng Ngọc Anh, Chủ tịch Công đoàn nhà trường chia sẻ, tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô trong trường đều quyên góp, ủng hộ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành và nhà hảo tâm để tổ chức những hoạt động thiện nguyện. Trong năm học 2022 – 2023, trường đã phối hợp với Hội Phụ nữ Công an huyện Krông Năng tặng học bổng trị giá 5 triệu đồng/năm cho một học sinh lớp 7B; Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng tặng 4 xe đạp; trao 22 máy tính bảng tặng học sinh; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, Tết cho học sinh ở buôn Trắp (buôn kết nghĩa)…

Với nhiều nỗ lực, Trường THCS Hoàng Văn Thụ đã được Huyện ủy Krông Năng tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.