Đa dạng phương thức xét tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên
Tự chủ tuyển sinh giúp Trường Đại học Tây Nguyên đa dạng hóa các phương thức xét tuyển đại học, qua đó nâng chất lượng đầu vào và phù hợp với đặc thù của các ngành đào tạo.
Xung quanh công tác tuyển sinh năm 2023, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. NGUYỄN VĂN NAM, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam. |
* Xin ông cho biết, năm 2023 Trường Đại học Tây Nguyên áp dụng những phương thức tuyển sinh đại học nào? Việc thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh có ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào không?
Năm 2023, Trường Đại học Tây Nguyên tuyển 2.900 chỉ tiêu đại học chính quy cho 35 ngành đào tạo thuộc nhóm ngành sức khỏe, nông lâm, sự phạm, kinh tế… Để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, nhà trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2023; xét theo học bạ THPT; xét theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Mỗi loại hình, chương trình đào tạo có những yêu cầu tuyển chọn người học khác nhau để tương thích với mục tiêu và chuẩn đầu ra. Việc đa dạng phương thức xét tuyển với nhiều tiêu chí khác nhau là xu thế tất yếu, không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn giúp nhà trường tuyển chọn được thí sinh có chất lượng tốt, đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của chương trình đào tạo; đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
* Ngành sư phạm chiếm gần 1/3 tổng số ngành đào tạo của nhà trường, với mỗi phương thức tuyển sinh của ngành này sẽ có điều kiện xét tuyển như thế nào thưa ông?
Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo 12 ngành sư phạm gồm: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Tiểu học - Tiếng Jrai, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Tiếng Anh và Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Thí sinh dự thi năng khiếu ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 tại Trường Đại học Tây Nguyên. |
Để xét tuyển vào khối ngành sư phạm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên yêu cầu thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD-ĐT công bố (không cần điều kiện học lực lớp 12 đạt loại giỏi). Phương thức xét học bạ yêu cầu thí sinh đạt học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp đạt 8,0 trở lên (riêng ngành Giáo dục Thể chất chỉ cần đạt học lực khá hoặc điểm xét tốt nghiệp đạt 6,5 trở lên). Đối với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thí sinh phải đạt từ 700 điểm trở lên (riêng ngành Giáo dục Thể chất chỉ cần đạt 600 điểm).
Ngoài các điều kiện xét tuyển vào các ngành thuộc khối sư phạm, thí sinh đăng kí dự thi ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất bắt buộc phải thi hai môn năng khiếu do Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức. Trong đó, ngành Giáo dục Mầm non thi môn: hát - nhạc và đọc - kể; ngành Giáo dục Thể chất thi chạy 100 m và bật xa tại chỗ.
* Vấn đề mà thí sinh, phụ huynh quan tâm khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên là mức thu học phí. Ông có thể thông tin về nội dung này và cho biết thêm, hằng năm nhà trường có cấp học bổng cho sinh viên không, thưa ông?
Đại học Tây Nguyên là trường đại học công lập nên mức học phí rất ưu đãi và theo quy định của Nhà nước. Theo đó, các ngành sư phạm được miễn 100% học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí 3.630.000 đồng/tháng. Nhóm ngành sức khỏe (y đa khoa, điều dưỡng, xét nghiệm) học phí dao động từ 12 – 14 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có mức học phí dao động từ 8 – 10 triệu đồng/năm.
Để tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ từ giảng đường đại học, đồng thời ghi nhận những nỗ lực trong học tập, ngoài chính sách miễn 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên khối ngành sư phạm và sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định, hằng năm Trường Đại học Tây Nguyên dành 8 tỷ đồng để cấp học bổng khuyến khích sinh viên có thành tích học tập đạt loại khá trở lên. Bên cạnh đó, các tổ chức trong và ngoài nước cũng dành gần 2 tỷ đồng cấp học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.
* Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc