Multimedia Đọc Báo in

Dũng cảm cứu người giữa lằn ranh sinh tử

08:45, 02/07/2023

Chứng kiến toàn bộ vụ tấn công tại trụ sở UBND xã Ea Ktur, dù rợn người trước hành vi tàn ác, manh động của nhóm đối tượng nhưng khi phát hiện một chiến sĩ công an xã bị thương nặng đang kêu cứu, ông Trần Đình Thuận (58 tuổi, trú xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã không quản hiểm nguy, dũng cảm cứu người giữa lằn ranh sinh tử.

Liên quan đến vụ tấn công hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) xảy ra vào rạng sáng 11/6, vừa qua, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh đã có thư cảm ơn gửi đồng bào và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã hết lòng giúp đỡ lực lượng công an. Trong thư, Thiếu tướng Lê Vinh Quy đặc biệt cảm ơn ông Trần Đình Thuận dù tuổi đã cao và biết rõ các đối tượng có vũ khí nguy hiểm, rất manh động, có thể cướp đi tính mạng của mình nhưng ông đã tìm mọi cách vượt qua truy sát, ngay trong đêm đưa Đại úy Lê Kiên Cường, cán bộ Công an xã Ea Ktur bị trọng thương đi cấp cứu.

Không khỏi xúc động trước tình cảm của lãnh đạo Công an tỉnh dành cho mình, ông Thuận chia sẻ: “Tôi rất cảm kích sự tri ân của lãnh đạo các cấp, các ngành đã dành cho tôi. Tôi nghĩ, nếu là người khác hôm ấy cũng sẽ bằng mọi giá giúp đỡ đồng chí Cường, tôi không sợ nguy hiểm, tôi chỉ sợ không kịp thời cứu đồng chí Cường thôi”.

Ông Thuận chỉ vị trí nơi phát hiện Đại úy Lê Kiên Cường kêu cứu.

Nhắc lại đêm định mệnh hôm 11/6, ông Thuận vẫn chưa hết bàng hoàng trước những cảnh tượng diễn ra trước mắt. Khoảng 1 giờ sáng, khi gia đình ông đang say giấc ngủ thì bỗng bị đánh thức bằng nhiều tiếng súng và tiếng nổ lớn. Ông dậy mở cửa nhìn sang trụ sở UBND xã Ea Ktur đối diện nhà mình thì phát hiện một nhóm người đang đập phá, đốt cháy nhiều phòng làm việc ở trụ sở, đốt xe và nhiều vật dụng khác. Vẫn chưa hình dung được chuyện gì đang xảy ra, ông cẩn trọng tiến lại gần hơn quan sát và lắng nghe thì thấy nhóm đối tượng khoảng 30 người mặc quần áo rằn ri, có súng, một số người bịt mặt và tất cả giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc bản địa. Sinh sống ở khu vực này từ năm 1992 đến tận bây giờ, có hiểu một chút về ngôn ngữ này nên khi nghe chúng hô hào “giết hết” ông mới nhận ra nhóm người này đang cố tình phá hoại trụ sở, giết người, ông lập tức quay trở về bên trong nhà tiếp tục quan sát tình hình.

“Khoảng 20 phút sau, không còn nghe tiếng động gì nữa, vợ chồng tôi mở cửa ra thì thấy một người đang bò từ bên trong ra phía ngoài trụ sở, vừa ôm ngực, vừa kêu cứu với hơi thở yếu ớt, rồi ngã gục xuống đất, ngất lịm tại chỗ. Ngay lập tức vợ tôi chạy qua xem người bên đó là ai còn tôi nhanh chóng khởi động xe ô tô nhà mình, cùng lúc vợ tôi nói với qua: “nhanh lên anh Thuận”. Sau khi xác nhận đây là Đại uý Lê Kiên Cường, cán bộ Công an xã Ea Ktur, tôi và vợ đã khẩn trương đưa anh Cường lên xe chở đi cấp cứu. Khi đó, Cường bị thương rất nặng, máu chảy rất nhiều và bất tỉnh” – ông Thuận hồi tưởng.

Sau khi ra khỏi nhà theo hướng Quốc lộ 27 được khoảng 200 m, ông Thuận phát hiện phía trước có một nhóm người đang đốt lán trại công nhân gần trụ sở và dàn hàng ngang để ngăn các phương tiện không được qua lại. Nhận thấy chuyện chẳng lành, ông nhanh trí tắt đèn xe để tránh bị phát hiện, sau đó rẽ vào con đường tắt người dân hay đi làm nương rẫy tiếp tục đưa đồng chí Cường đến bệnh viện. “Lúc đó bản thân tôi rất hoang mang và lo sợ, vì tôi đã tận mắt chứng kiến những hành vi tàn bạo và dã man của nhóm đối tượng ra tay với cán bộ trong xã. Nếu như lúc đó bọn chúng chặn xe của tôi lại thì chắc chắn cả tôi và đồng chí Cường đều không thể thoát khỏi vòng tay của nhóm đối tượng gây án”.

Lãnh đạo huyện Cư Kuin thăm hỏi, động viên Đại úy Lê Kiên Cường.

Trải qua ba lần gặp nhóm đối tượng nguy hiểm, ông Thuận vừa đi vừa cảnh giác, trong quá trình đưa đồng chí Cường đi cấp cứu, xe ô tô của ông phải chạy vào những con đường đất gồ ghề để tránh bị phát hiện. Lúc này, xe đột ngột chết máy, nhìn tình trạng nguy kịch của Đại úy Cường, ông đã nhanh chóng liên lạc với Trưởng Công an xã Ea Ktur để được hỗ trợ. Ít phút sau đó, các cán bộ, chiến sĩ công an đã kịp thời có mặt cùng ông Thuận đưa Đại úy Cường đến Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin sơ cứu vết thương và ông tiếp tục theo sát, chăm sóc cho đồng chí Cường tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

 “Tại bệnh viện, đồng chí Cường rất yếu, môi đã tím hết, khó thở, chân tê cứng, tôi ghé sát tai lại lắng nghe Cường nói với giọng yếu ớt: “Chết chú ơi”, sau đó Cường lịm hẳn. May mắn, các y bác sĩ cứu chữa kịp thời, đồng chí Cường đã vượt qua cơn nguy kịch, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm để quay trở về nhà, nơi vợ con đang hết sức lo lắng và ngóng chờ tôi” – ông Thuận tâm sự.

Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng không được dẻo dai như thời thanh niên nhưng ông Thuận đã dũng cảm dám đánh đổi cả tính mạng của mình để cứu chiến sĩ công an thoát chết trong gang tấc. Hành động cứu người trước tình thế nguy nan của ông Thuận là nghĩa cử cao đẹp, qua đó thể hiện tình cảm quân dân đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cần được nêu gương và nhân rộng.

Hồng Chuyên – Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc