Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa

17:20, 27/07/2023

Xác định chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, vì vậy huyện Krông Bông đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Bông có 487 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp thường xuyên, với số tiền hơn 1 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện các chế độ ưu đãi khác, như: Bảo hiểm y tế cho người có công, thân nhân người có công (666 thẻ); điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (6 đối tượng)…

Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, hằng năm, huyện Krông Bông đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chính sách xã hội, nhất là thực hiện Pháp lệnh Người có công, các chỉ thị của bộ, ngành, Trung ương và tỉnh về chính sách đền ơn, đáp nghĩa.

Huyện cũng thường xuyên tổ chức phổ biến thực hiện chính sách theo quy định và những văn bản hướng dẫn thực hiện đến các đối tượng nhằm tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ chính sách ưu đãi người có công đã quy định.

Nhờ vậy, việc thực hiện các chính sách đối với người có công luôn được đầy đủ, kịp thời và không ngừng được nâng cao để các cá nhân, gia đình có điều kiện vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương.

Bí thư Huyện ủy Krông Bông Đỗ Quốc Hương (bên trái) đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Bộ (xã Hòa Sơn).
Bí thư Huyện ủy Krông Bông Đỗ Quốc Hương (bên trái) đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Bộ (xã Hòa Sơn).

Ngoài việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Theo đó, các phong trào, các cuộc vận động như: toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ người có công còn khó khăn về nhà ở; chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có công và gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống... được các tổ chức, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Nhiều tổ chức, đoàn thể đã vận động đoàn viên, hội viên thường xuyên chăm sóc, vệ sinh, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ và tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công nhân dịp lễ, tết...

Bà Đinh Trần Bích Nga, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông cho biết, thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương luôn sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Thể hiện cụ thể từ việc huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, đến việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xuống buôn kết nghĩa để hỗ trợ, chăm lo cho các gia đình chính sách, nhất là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng.

Sự chăm lo không chỉ thể hiện bằng việc tặng quà, thăm hỏi, động viên mà còn bằng các việc làm thiết thực như: sửa chữa nhà ở, phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà ở… của đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, huyện còn đề nghị cấp ngân sách và huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp để tôn tạo, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ…

Đoàn viên, thanh niên xã Cư Kty (huyện Krông Bông) thường xuyên đến thăm, tặng quà và dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa giúp bà Nguyễn Thị Thanh (thân nhân liệt sỹ) ở thôn 3.
Đoàn viên, thanh niên xã Cư Kty (huyện Krông Bông) thường xuyên đến thăm, tặng quà và dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa giúp bà Nguyễn Thị Thanh (thân nhân liệt sĩ) ở thôn 3.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều gia đình chính sách, người có công trên địa bàn đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để tăng gia sản xuất. Những đối tượng trên cũng luôn được ưu tiên lựa chọn triển khai các mô hình sản xuất với sự hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, hầu hết các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện đều có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, nhiều gia đình còn gương mẫu tham gia hiến đất góp phần xây dựng nông thôn mới, tích cực phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.