Multimedia Đọc Báo in

Ngày “giỗ chung” ở Huế

21:58, 26/07/2023

Vào một ngày tháng 7 của 138 năm trước, tại kinh đô Huế đã diễn ra một trận chiến ác liệt giữa quân đội triều Nguyễn với quân đội Pháp.

Thời khắc diễn ra sự kiện này là đêm 22 rạng sáng 23 tháng 5 năm Ất Dậu, nhằm ngày 5/7/1885. Kết cục là kinh thành Huế tan hoang, người chết la liệt, vua Hàm Nghi phải rời thành đi kháng chiến. Chủ quyền đất nước chính thức rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Lịch sử gọi ngày 5/7/1885 là “Ngày thất thủ kinh đô” và người dân Huế xem ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày “giỗ chung” của Huế.

Vào khoảng 3 giờ sáng 5/7/1885, Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết phát lệnh tấn công vào hai mục tiêu lớn của quân đội Pháp tại Huế. Đó là khu sứ quán Pháp nằm ở cạnh bờ nam sông Hương và Trấn Bình đài - nơi quân Pháp vừa chiếm đóng. Súng thần công trên thành đồng loạt phát hỏa. Khói lửa bốc lên ngùn ngụt, bao phủ hai mục tiêu. Trời vừa sáng thì quân Pháp phản công. Ba cánh quân của Pháp với súng đạn tối tân, đại bác và tàu chiến yểm trợ đã tràn vào kinh thành từ nhiều hướng. Quân triều đình không kháng cự nổi phải tháo chạy. Tình thế nguy ngập, vua Hàm Nghi cùng với hoàng gia và quần thần phải rời khỏi kinh thành. Đến khoảng hơn 8 giờ sáng thì lá cờ tam tài của Pháp đã xuất hiện trên kỳ đài.

Lễ tế đồng bào, chiến sĩ trận vong tại đàn Âm hồn do lãnh đạo địa phương làm chủ tế. Ảnh tư liệu

Một thảm cảnh diễn ra trong kinh thành, lúc này đã không còn vua. Xác người la liệt, cả quân lính lẫn dân thường. Họ chết do súng đạn, lưỡi lê của quân Pháp, và chết do hoảng hốt dẫm đạp lên nhau mà chạy. Báo Tràng An xuất bản tại Huế ngày 21/6/1935 đã viết: “Người chết không chỗ nào là không có: trong nhà, ngoài đường, dưới hồ, bên thành... Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ mà hơn ngàn rưỡi con người thiệt mạng”. Trong khi đó, tường trình của tướng Pháp Prud’homme thì cho rằng thiệt hại của phía An Nam gấp đôi thế, “do không thể chôn cất hết nên người ta đã vứt một phần vào các kênh đào và phần còn lại thì đem thiêu”. Phía Pháp có 5 sĩ quan, 87 người có cấp bậc và lính đã bị giết tại trận, một số khá lớn bị thương và chết sau đó, theo bài viết “Việc đánh chiếm Huế” đăng trên tập san BAVH 1939 của C.A. Poupard, một người lính Pháp tham gia trận đánh này.

“Đó là ngày kinh đô quật khởi, nhưng cũng là ngày “trọng tang”, ngày đau buồn tột cùng của người dân Huế” - PGS.TS. Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đã đúc kết như vậy về biến cố thất thủ kinh đô. Vì vậy, người dân cố đô xem ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày “giỗ chung” của Huế. Không chỉ người dân trong kinh thành, mà cả người ngoài thành, ở chợ Đông Ba, phố Gia Hội, bờ nam sông Hương, và dường như mọi phố phường, làng xóm trên khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế đều không thể quên ngày “giỗ chung”, họ gọi giản dị là “cúng 23 tháng 5”.

Tranh vẽ tái hiện trận chiến tháng 7/1885 tại kinh thành Huế. Ảnh tư liệu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng lễ cúng 23 tháng 5 của người Huế là một lễ cúng đặc biệt, duy nhất có ở đây. Lễ vật bao giờ cũng phải có dĩa cơm vắt (cơm nắm) để người ta mang theo khi chạy loạn, có bình nước chè xanh rất to vì năm đó mùa hè người ta rất khát nước, và một bếp lửa để các oan hồn run rẩy được sưởi ấm vì năm đó có nhiều người chết vùi dưới sông hồ, hào nước bao quanh kinh thành. Một lễ cúng nặng tình đồng bào, nghĩa nhân văn. Ngày thất thủ kinh đô đau buồn đã trở thành ngày tưởng niệm đặc biệt của Huế!

Trong kinh thành Huế, chỗ gần cửa Đông Ba, có một ngôi miếu thờ các vong linh người chết trong trận chiến đẫm máu năm xưa. Đây là nơi có số người chết nhiều nhất, bởi quân lính, quan lại và dân chúng đều nhằm hướng này mà tháo chạy. Dân chúng tự nguyện góp tiền xây miếu để thờ hương linh người đã khuất, gọi là miếu Âm hồn. Suốt từ năm đó đến tận hôm nay, cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch, dân chúng trong xóm vẫn tự nguyện góp tiền làm lễ “giỗ chung”.

Cũng trong năm 1894, vua Thành Thái đã cho lập đàn Âm hồn, nằm bên phải phía trước hoàng cung (gần cửa Nhà Đồ), để thờ cúng vong linh những người đã tử nạn trong sự biến thất thủ kinh đô. Đồng thời, bộ Lễ cũng ban hành quy cách về lễ nghi, lễ vật, văn tế cho lễ cúng này.

Năm 2013, đàn Âm hồn đã được xếp hạng di tích lịch sử. Năm 2018, lễ tế đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố thất thủ kinh đô lần đầu tiên được tái hiện theo đúng như nghi thức dưới triều Nguyễn. Lễ tế tổ chức trang nghiêm, do lãnh đạo tỉnh làm chủ tế.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.