Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

07:43, 10/08/2023

Những chuyến bay rải thảm chất độc hóa học của quân đội Mỹ trong chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, song hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề với những nỗi đau khó nói hết thành lời. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh cùng các cấp chính quyền và tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân, giúp họ vượt qua bệnh tật.

Dai dẳng nỗi đau

Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Hoài (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) trở về đời thường, lập gia đình, chăm lo làm ăn. Những tưởng cuộc sống êm đềm trôi đi nhưng nỗi đau lại ập đến khi người con trai đầu của bà lúc sinh ra đã bị liệt toàn thân. Vợ chồng bà cật lực đi làm thuê, chạy vạy vay mượn khắp nơi kiếm tiền chữa trị cho con, nhưng niềm hy vọng cứ lụi dần, nỗi đau càng tăng hơn khi bác sĩ kết luận cháu bị dị tật do ảnh hưởng chất độc dioxin từ mẹ.

Đã gần 40 năm nay, con trai bà vẫn chỉ nằm một chỗ, mọi ăn uống, sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Cuộc sống khó khăn, chồng bà sức khỏe giảm sút do trải qua nhiều lần tai biến, một mình bà phải chật vật bươn chải để trang trải cuộc sống. Bà Hoài trải lòng: “Chiến tranh đã để lại hậu quả cho rất nhiều nạn nhân chất độc da cam trên cả nước, sinh con ra bị tật nguyền là điều không ai mong muốn, dù cuộc sống chồng chất khó khăn nhưng số phận mình như vậy đành cam chịu, chỉ biết nỗ lực để chăm nuôi con”.

Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng các nhà hảo tâm thăm hỏi và trao quà tặng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ea Súp.

Theo thống kê của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.706 người bị phơi nhiễm, trong đó người hoạt động kháng chiến là 2.728 người. Đến nay, ảnh hưởng của chất độc hóa học vẫn còn nặng nề, dai dẳng, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi có con, thậm chí cháu không lành lặn về hình hài, kém phát triển về trí tuệ do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

 

Cách đây 62 năm (ngày 10/8/1961), quân đội Mỹ thực hiện chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học xuống nước ta khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học. Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy làm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Như gia đình ông Ngô Hồng Phái (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk), không chỉ bản thân ông mang trong mình nhiều bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học sau khi tham gia kháng chiến trở về, mà ba người con sinh ra đều bị ảnh hưởng di chứng của chất độc hóa học dioxin từ bố. Đến nay, một cháu đã qua đời vì bệnh tật, hai cháu còn lại bị dị dạng, dị tật, thường xuyên phải đi bệnh viện, chịu nỗi đau thể xác hành hạ. Hay gia đình ông Đinh Ngọc Ánh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) có con gái bị liệt não bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam, hằng ngày chỉ nằm một chỗ...

Chung tay hỗ trợ nạn nhân da cam

Theo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, hiện trong số 3.706 đối tượng phơi nhiễm với chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh, chỉ có 1.461 người đang được thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và vận động toàn xã hội với mục tiêu “tất cả vì NNCĐDC”. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã trích từ nguồn quỹ vận động và sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền hơn 1,44 tỷ đồng để chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân, như trợ cấp dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp khám chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà, tặng xe lăn, xây nhà Tình nghĩa, sửa chữa nhà ở...

Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam tại huyện Krông Búk.

Một số hội cơ sở đã đẩy mạnh hoạt động, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc nạn nhân. Đơn cử như Hội NNCĐDC/dioxin xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) trong những năm qua đã phối hợp cùng các đơn vị, đoàn thể, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng quà cho nạn nhân vào dịp lễ, Tết, tháng hành động vì NNCĐDC; thăm hỏi lúc ốm đau; phát động góp quỹ ủng hộ NNCĐDC trong những năm bị dịch COVID-19; phát động nhắn tin ủng hộ NNCĐDC nhân Tháng hành động vì NNCĐDC, hằng năm đạt từ 100 - 150 tin nhắn ủng hộ.

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trăn trở, những năm gần đây, việc vận động nguồn lực chăm sóc NNCĐDC gặp nhiều khó khăn dẫn đến công tác chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chưa thực sự hiệu quả. Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh mong muốn nhận được sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần của các NNCĐDC, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.