Chuyển đổi số - Khó khăn từ cơ sở
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đã từng bước được kích hoạt. Trong quá trình triển khai các đầu việc liên quan đến CĐS, nhiều khó khăn, nhiều “điểm nghẽn” từ thực tiễn cần phải có giải pháp và sự quyết tâm khắc phục.
Thiếu nhân lực lẫn hạ tầng cơ sở
Tại Cư M’gar, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được chính quyền huyện quan tâm, chỉ đạo, điều hành kịp thời; đồng thời, chủ động cân đối kinh phí để nâng cấp và trang bị một số thiết bị CNTT, sử dụng hiệu quả và linh hoạt phần mềm quản lý văn bản, sử dụng chứng thư số trong công việc. Thế nhưng, việc ứng dụng và phát triển CNTT ở địa phương vẫn còn những hạn chế như nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng và phát triển CNTT chưa thật sự đầy đủ; tại một số cơ quan, địa phương, công tác chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Người dân thực hiện các TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cư M'gar. |
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đảm nhận việc phối hợp triển khai và tổ chức quản lý vận hành các hệ thống thông tin còn thiếu, đặc biệt là ở cấp xã. Cụ thể, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có phân công công chức phụ trách CNTT của xã, thị trấn. Song, tất cả công chức trên đều kiêm nhiệm, chủ yếu là công chức văn phòng hoặc công chức văn hóa xã hội, không được đào tạo về CNTT, điện tử viễn thông, tin học.
Tương tự, tại huyện Lắk, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về CĐS dù được nâng lên nhưng trên thực tế vẫn còn một số khó khăn như nhân lực CNTT còn hạn chế, hiện cấp huyện chỉ có 1 cán bộ có trình độ cao đẳng CNTT và 1 cán bộ đại học CNTT, cấp xã không có công chức chuyên trách về CNTT mà đều thực hiện kiêm nhiệm. Hạ tầng cơ sở thông tin như máy móc, trang thiết bị chưa đồng bộ; hạ tầng số, nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Trở ngại từ nhận thức
Theo ông Võ Sỹ Tùng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư M’gar, rào cản lớn nhất hiện nay trong quá trình CĐS chính là “tâm lý truyền thống” của người dân khi làm thủ tục hành chính (TTHC). Nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn có thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước để làm các TTHC với suy nghĩ đến gặp cán bộ và làm trực tiếp sẽ chắc chắn và an tâm hơn. Được biết, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến chỉ đạt 1,9%. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ nên đến nay chưa sử dụng hợp đồng điện tử và nộp thuế điện tử; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử chỉ chiếm 2,2% và hầu hết đều chưa thực hiện nộp thuế online; việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử còn hạn chế…
Bà Đào Thị Oanh (xã Ea M’droh, huyện Cư M'gar) chia sẻ: “Mỗi lần cần thực hiện TTHC tôi đều đến tận trụ sở xã hoặc huyện để làm. Dù xa xôi nhưng đến nơi sẽ được cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp nên có vướng mắc hay khó khăn gì sẽ dễ dàng giải quyết, chứ làm hồ sơ trực tuyến vừa không biết cách làm lại vừa sợ xảy ra sai sót”.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Lắk giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Ông Trần Quốc Sơn (xã Đắk Nuê) bày tỏ, bản thân đã sử dụng điện thoại thông minh từ lâu nhưng chỉ để đọc báo, tìm hiểu tin tức. Dù biết đến hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã lâu, nhưng khi cần thực hiện các TTHC ông vẫn trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị để làm do sợ quá trình thực hiện, thao tác sẽ xảy ra sai sót. Hay như chị H’Li Hoa (xã Bông Krang, huyện Lắk) khi cần làm giấy tờ sang nhượng đất đai, chị cũng đến trực tiếp tại bộ phận Một cửa của huyện chứ không biết đến việc làm qua hệ thống trực tuyến như thế nào. Theo chị H’Li Hoa, thường ngày chị chỉ sử dụng điện thoại để nghe gọi chứ chẳng biết dùng mạng xã hội nói gì đến làm giấy tờ, thủ tục.
Có thể nói, do tâm lý e ngại thay đổi nên sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thực hiện CĐS còn chậm. Cùng với việc năng lực kinh doanh, nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, yếu tố tài chính chưa đủ mạnh khiến họ ngại tiếp cận công nghệ mới, kiến thức, kỹ năng số, các vấn đề về an toàn thông tin khi giao dịch trên môi trường số…
Theo Ban Chỉ đạo về CĐS huyện Cư M'gar, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của địa phương về CĐS bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, địa phương cũng mong muốn được hỗ trợ về nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng cơ sở để triển khai các nội dung CĐS một cách đồng bộ, đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra…
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2022 tỉnh Đắk Lắk xếp hạng thứ 47 CĐS cấp tỉnh). |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc