Multimedia Đọc Báo in

Dân vận khéo để hòa giải hiệu quả từ cơ sở

10:44, 02/08/2023

Với hình thức sân khấu hóa, Hội thi “Hòa giải viên giỏi” huyện Krông Pắc năm 2023 không chỉ phản ánh sinh động các tình huống mâu thuẫn, tranh chấp ở gia đình, khu dân cư mà còn đặt ra yêu cầu đội ngũ hòa giải viên (HGV) ở cơ sở phải khéo léo tuyên truyền, hóa giải, hướng dẫn người dân tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, chuẩn mực xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, vi phạm pháp luật…

Thông điệp từ các tiểu phẩm

Một người chồng say xỉn, nghiện ngập cờ bạc, một bà hàng xóm chuyên vứt rác thải ra đường phố, một người dân cố chấp “nắn cong” tường rào lấn đường đi chung… đó là những chất liệu từ thực tiễn đời sống được các đội thi chuyển tải vào nội dung tiểu phẩm tham gia hội thi.

Tổ hòa giải ở cơ sở tham gia giải quyết mâu thuẫn trong tiểu phẩm “Hàng xóm thân thiện” của đội thi xã Hòa Tiến.

Không chỉ phản ánh chân thực những sự việc, hiện tượng trong đời sống ở khu dân cư, các đội thi đưa yếu tố hài hước, gây cười, dí dỏm thu hút người xem. Ngay như cách đặt tên trong tiểu phẩm “Camera chạy bằng cơm” của đội thi xã Hòa Đông, nhân vật bà Thơm - vợ ông Tho nhưng lại thường xuyên lén vứt rác thải ra đường ở khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hay như cậu em tên Tham trong tiểu phẩm “Chia đất” của đội thi xã Krông Búk tự nhận mình không tham nhưng tranh giành phần lớn đất đai cha mẹ để lại và trốn tránh trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc các bậc sinh thành… Đằng sau tiếng cười mà các tiểu phẩm mang đến là sự phê phán gay gắt về những hành vi lệch chuẩn. Qua đó, gửi gắm thông điệp cần xây dựng lối sống thượng tôn pháp luật, văn minh, nghĩa tình.

Chị H’Rôda Ayun (đội thi xã Ea Kênh) chia sẻ, bên cạnh việc tập trung ôn luyện các nội dung kiến thức, các quy định pháp luật liên quan mật thiết đến công tác hòa giải ở cơ sở, các thành viên của đội còn tích cực xây dựng kịch bản cho tiểu phẩm từ thực tế hòa giải tại các thôn, buôn. Đội thi đã lựa chọn mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện hợp đồng mua bán quả sầu riêng để đưa vào tiểu phẩm “Cái lý, cái tình”. Qua đó, đội ngũ HGV đã giải quyết theo hướng tuyên truyền, giải thích để bên bán tuân thủ, tôn trọng giao kết theo hợp đồng, bên mua cũng có sự nhân nhượng, thỏa thuận lại về giá cả phù hợp với giá thị trường để tránh xảy ra xung đột, mâu thuẫn, giữ được tình làng nghĩa xóm cũng như mối liên kết làm ăn lâu dài.

Tổ hòa giải tham gia giải quyết mâu thuẫn trong tiểu phẩm “Hồi chuông thức tỉnh” của đội thi xã Hòa An.

Để “việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không”      

Trong cuộc sống hằng ngày, việc xảy ra những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng dân cư là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời thì sẽ thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, vi phạm hình sự, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Chính vì thế, việc hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, chất lượng việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phụ thuộc chính vào sự nhiệt tình, tận tâm, khéo léo của đội ngũ HGV. Không chỉ là người “mở nút thắt” cho những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ở cơ sở, HGV còn góp phần đưa pháp luật vào đời sống thông qua việc giải thích, phân tích để thuyết phục các bên tranh chấp, mâu thuẫn tự nguyện thực hiện việc hòa giải.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm HGV, thí sinh Nguyễn Văn Dăm (đội thi xã Krông Búk) cho hay, kỹ năng và uy tín của HGV đóng vai trò quan trọng trong mức độ thành công của quá trình hòa giải. Một khi người dân đã tin tưởng, nhờ cậy tổ hòa giải, các thành viên phải nắm vững quy định pháp luật có liên quan, giữ thái độ công bằng, cân phân để giải thích, tư vấn, xoa dịu những bức xúc nhất thời của hai bên mâu thuẫn. Mặt khác, từ những vụ việc hòa giải thành công, người dân sẽ thêm phần tin tưởng, chủ động tìm đến tổ hòa giải để giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, tránh xảy ra xô xát, vi phạm pháp luật, hạn chế, giảm tải việc khiếu nại, khiếu kiện lên các cơ quan cấp trên.

Đánh giá về hiệu quả của hội thi, Trưởng phòng Tư pháp huyện Krông Pắc Hoàng Thị Như Anh cho hay, việc tham gia tích cực, chuẩn bị chu đáo của các xã, thị trấn không chỉ tạo môi trường cho các HGV tham gia tranh tài, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở mà còn động viên, cổ vũ tinh thần chủ động tìm hiểu, tiếp cận kiến thức pháp luật, gần gũi với quần chúng nhân dân của đội ngũ HGV. Đây cũng là dịp để huyện đánh giá chất lượng đội ngũ HGV, có thêm giải pháp động viên, khuyến khích, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.