Multimedia Đọc Báo in

Những dấu chân nơi cửa khẩu... (kỳ 1)

08:31, 09/08/2023

Thiên tạo đã hình thành nên một Tây Nguyên hùng vĩ, muôn đời sát núi kề sông với nước bạn Lào và Campuchia. Xây cho mái nhà của Đông Dương yên vững, trên dặm dài tuyến biên giới của mảnh đất cao nguyên, dừng chân nơi cửa khẩu tuyến đầu, chúng tôi thao thiết bởi những dấu chân.

Dấu chân được khắc bằng máu xương của cha anh trong lịch sử; dấu chân được khắc bằng mồ hôi của những người lính quân hàm xanh cùng nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no; dấu chân được khắc bằng tấm lòng, nghĩa tình láng giềng hữu nghị; dấu chân được khắc bằng sự bền gan vững chí trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm vùng biên...

Kỳ 1: Dấu chân khắc bằng máu xương

Dọc dài những đồn biên phòng cửa khẩu đến thăm, chúng tôi được đón tiếp nhiệt thành bởi những cơn mưa rừng. Điểm dừng chân đầu tiên tại các đồn là nhà bia ghi danh tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, không gian luôn ấm nén nhang trầm. Tháng Bảy tri ân, khói hương càng như len lỏi, vấn vít và thức dậy trong miền tâm khảm mỗi người tìm về một thời. Mưa của rừng và mưa của lòng người trong rưng rưng xúc cảm.

Nhà bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Lịch sử của 48 năm trước, khi gấm vóc non sông vừa thu về một dải, đất nước chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh thì tập đoàn phản động Pôn Pốt Iêngxari đã tiến hành hàng loạt cuộc xâm lược các đảo, biên giới Tây Nam. Hồi ức và những trang vàng về sự chiến đấu bền gan trong giai đoạn lịch sử ấy của người lính biên phòng ở các cửa khẩu được lật giở, để thế hệ hôm qua, hôm nay và đến mãi mai sau trân quý và tri ân.

1. Được thành lập vào tháng 10/1975, Đồn Biên phòng Đá Bằng (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) khi ấy chỉ có 24 cán bộ, chiến sĩ, được điều động từ các tỉnh miền Bắc. Lực lượng có mỏng, trang thiết bị, vũ khí chiến đấu thiếu thốn nhưng nhiệt huyết và lời thề giữ đất đai, bờ cõi thiêng liêng, một lòng bảo vệ sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và lớp lớp thế hệ ông cha dày công gây dựng luôn được các anh khắc cốt ghi tâm.

Những năm 1977 - 1979, trước chuỗi hành động bắn phá, xâm lược thô bạo của địch lên biên giới Tây Nam của nước ta, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đá Bằng đã nắm chắc diễn biến, hoạt động của địch, đồng thời triển khai linh hoạt các loại hình chiến đấu. Đa hình thức chiến thuật, chiến sĩ quân hàm xanh vừa tập kích, phục kích, truy lùng, đón đánh địch, vừa quan sát từ xa để phát hiện, nắm tình hình địch. Đơn vị chủ động tung lực l­ượng ra khỏi đồn, gan dạ can trường để tìm địch mà đánh, đánh địch từ xa, ngăn chặn kịp thời các mũi thọc sâu của địch sang địa phận biên giới Tổ quốc.

Cuối tháng 12/1977, tổ tuần tra, mật phục của Đồn phát hiện một tốp địch xâm nhập trái phép vào lãnh thổ nước ta. Đập tan ý đồ tập kích của chúng, tổ tuần tra với các chiến sĩ trẻ như Hà Thanh Trì, Hồ Dã Định, Mai Xuân Ánh, Nguyễn Văn Lai, Đàm Song Hỷ… đã chiến đấu phục kích, bất ngờ tấn công, tiêu diệt địch.

Tiếp nối truyền thống cha anh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê chắc tay súng bảo vệ biên cương.

Một trận đánh khác luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê hôm nay nhắc nhớ là vào giữa tháng 3/1978, Thiếu úy Triệu Văn So, Chính trị viên Đồn đã chỉ huy một phân đội vũ trang hành quân, truy tìm dấu vết địch. Bắt gặp địch dựng lán đóng quân bên bờ suối, đội hình của ta đã bí mật bao vây, chỉ 15 phút sau, phân đội đã tiêu diệt 7 tên, thu 7 khẩu súng các loại, phá hủy lán đóng quân, buộc chúng phải rút sâu về nội địa.

Sẵn sàng chiến đấu không để bị động bất ngờ, luôn nắm thế chủ động để biến ít thành mạnh, đó chính là bài học được đánh đổi bằng xương máu mà cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê hôm nay trân trọng, học tập từ thế hệ cha anh.

2. Vượt lối mòn được phát quang sạch sẽ, Thượng tá Lê Quốc Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông) dẫn chúng tôi lên khu vực đồi có tên Hai con mắt - nơi đóng quân cũ của Đồn. Ở khu vực từng là chứng tích của những trận đấu ngoan cường chống lại kẻ thù Pôn Pốt, nay vẫn còn lại hệ thống hầm hào công sự, những hố bom loang lổ nằm dưới tán cây rừng.

Thượng tá Lê Quốc Hùng bồi hồi: Lịch sử đã ghi lại 127 trận đánh kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng trong đánh đuổi bọn Pôn Pốt. Tiêu biểu nhất là trận đánh kéo dài 47 ngày đêm với quyết tâm giữ vững trận địa, bảo vệ từng tấc đất thiêng nơi biên ải.

Hệ thống hầm hào công sự, chứng tích trên khu vực đồi Hai con mắt trong cuộc chiến chống Pôn Pốt của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng.

Sau hàng loạt cuộc tập kích thất bại, những ngày đầu tháng 4/1978, địch tiếp tục điều quân, sử dụng hỏa lực mạnh bắn cấp tập và bao vây các Đồn Biên phòng Trương Tấn Bửu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng; cắt đứt đường liên lạc giữa các đồn với cấp trên. Trước thế bao vây hung hãn của địch, ngày 7/4/1978, các lực lượng của ta tổ chức phản kích vào các điểm cao mà địch chiếm đóng, tạo thuận lợi cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng tổ chức phản công địch từ trong ra. Bị phản kích, vây ép từ trong ra, từ ngoài vào, địch thiệt hại nặng nề…

Ngày 17/5/1978, Khmer Đỏ tập trung hỏa lực pháo cối các loại bắn cấp tập vào các đồn, chốt của ta; chúng ồ ạt xông lên bao vây ta từ bốn phía. Nhờ nhận định đúng âm mưu của địch, trưa cùng ngày, lực lượng Công an nhân dân vũ trang của ta phối hợp mở cuộc tấn công mạnh mẽ từ nhiều mũi, nhiều hướng. Đến 13 giờ ngày 17/5/1978, ta đẩy toàn bộ địch về bên kia biên giới, chấm dứt cuộc tấn công, bao vây suốt 47 ngày đêm của địch. Kết quả, ta tiêu diệt hơn 400 tên địch, riêng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng diệt 69 tên, phá hủy nhiều hỏa lực, giữ vững phòng tuyến biên giới. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống hành động xâm lược của bọn phản động Khme Đỏ là mốc son trong lịch sử Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, công nhận vào ngày 30/10/1978.

Có mặt ngay từ những ngày đầu trên tuyến lửa khi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng mới thành lập, ông Lê Anh Tuấn (nay sống tại thị trấn Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vẫn nhớ như in từng cái tên và cả nguyên quán của những đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi như Bùi Văn Lý (ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ); Y Noi Knul (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Đó là chiến sĩ Phan Tiền Tuyến (tỉnh Thái Bình) ngã xuống ở tuổi 23, khi chuẩn bị lấy vợ; sau này, cô gái ấy không lấy chồng mà dành trọn tình yêu cho người đã khuất. Cũng có đồng đội vừa cưới vợ như chiến sĩ Nguyễn Văn Lĩnh quê ở Bắc Ninh, chưa kịp báo tin mừng cho đơn vị thì đã hy sinh, đến khi mở ba lô của anh, ai nấy đều lặng người khi thấy giấy đăng ký kết hôn còn tươi mới…

Người lính quân hàm xanh băng rừng, vượt suối tuần tra bảo vệ biên giới.

3. Ngay sau khi đất nước giải phóng, ngày 15/6/1975, Đồn Công an nhân dân vũ trang Ia Kla (Đồn Biên phòng 23, sau đổi tên thành Đồn Biên phòng 649) được thành lập (tiền thân của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai). Đó cũng là thời điểm, Khmer Đỏ có nhiều hành động thanh trừng, khiêu khích, khủng bố trên biên giới của ta.

18 giờ 30 phút ngày 18/6/1978, Khmer Đỏ từ các hướng đồng loạt bắn vào Đồn. Chỉ trong ba ngày từ 19 đến 21/6/1978, chúng đã dội hàng nghìn quả đạn pháo cối các loại vào Đồn. Khuôn viên của doanh trại gần như bị băm nát, cán bộ chiến sĩ phải sống, chiến đấu, sinh hoạt dưới lòng đất, bình tĩnh dựa vào hệ thống hầm hào công sự chiến đấu với kẻ địch. Lúc này những trận mưa rừng đổ xuống dồn dập khiến hệ thống giao thông hào trong đơn vị lúc nào cũng nhầy nhụa, nước ngập đến đầu gối. Cán bộ, chiến sĩ phải ăn tại giao thông hào; tựa lưng vào vị trí chiến đấu thay nhau chợp mắt; đại tiểu tiện vào vỏ nhựa đạn cối ném qua giao thông hào ra ngoài.

Mưa trên trời, mưa đạn dưới đất, cán bộ, chiến sĩ đứng dưới hầm hào, công sự, chân ngập trong nước từ ngày này qua ngày khác, đến độ ngón chân cái nở phì ra. Xạ thủ cối 82 Nguyễn Công Ân là người vẫn được đồng đội nhớ mãi. Khi ấy anh mới vừa đôi mươi, có ngày bắn đến hơn 200 quả đạn cối, hai tai ù đặc, tối về anh em nói chuyện chẳng nghe được gì. Lời thề giữ đất quyết tử vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của những người lính trong đồn thấm vào từng thớ thịt, từng nhịp thở kể cả trong giấc ngủ chập chờn, thời khắc hiếm hoi giữa trận chiến. Sự ác liệt đến độ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị từng bàn bạc, dự kiến tình huống xấu nhất, mỗi người để dành một viên đạn cuối cùng nếu không may rơi vào tay quân địch thì sẵn sàng hy sinh chứ nhất định không để địch bắt.

Chấp hành mệnh lệnh tử thủ của Bộ Tư lệnh Quân khu V, Ban Chỉ huy Đồn đã động viên cán bộ, chiến sĩ kiên cường bám trụ, kiên quyết không để địch đánh chiếm đồn. Giữa tháng 6/1978 quân ta đồng loạt mở cuộc phản công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Khoảng 17 giờ ngày 26/6/1978, địch tiếp tục dùng các loại súng, pháo từ các hướng tập kích vào Đồn. Trận mưa đạn kéo dài hơn 40 phút nhưng tất cả đều vô nghĩa do ta làm tốt công tác chuẩn bị về hầm hào, công sự, vật cản.

Đến cuối tháng 6/1978, cuộc chiến đấu chống quân Khmer Đỏ xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia của quân và dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum kết thúc. Hơn 1000 ngày đêm căng mình canh giữ đất Mẹ thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã tham gia hàng chục trận đánh, tiêu diệt nhiều tên địch, nhiều vũ khí, một trong những chiến công hiển hách đó là cuộc chiến đấu ròng rã 9 ngày đêm. Ngày 20/12/1979, đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những câu chuyện cảm động trên chiến trường, sự hy sinh không chỉ có máu xương mà cả tình riêng vì nghĩa nước. Lời thề giữ đất và khí tiết người chiến sĩ biên phòng là vũ khí có sức mạnh chiến thắng mọi vũ khí. Từng tấc đất thiêng đã được bảo vệ bằng máu xương, để tạo nền cho bước chân những thế hệ tiếp nối vững tiến…

(Còn nữa)

Kỳ 2: Hoa nở miền biên theo dấu chân anh

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc