Multimedia Đọc Báo in

Sáng một lối về (kỳ 2)

09:02, 05/08/2023

Kỳ 2: Trở về

Lúc ra đi thì lén lút, trốn tránh nhưng khi trở về, họ vẫn được quê hương dang rộng vòng tay bao dung giúp đỡ. Đón những người lầm lỡ vượt biên về lại bản quán, cấp ủy, chính quyền và buôn làng còn tạo điều kiện để họ vươn lên, xây dựng lại cuộc sống…

Đường về

Sau 2 năm trải qua đủ nỗi khổ cực ở Thái Lan, anh Ma Văn Quán (ở thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drắk) quyết định tìm cách về lại Việt Nam. Anh Quán nhờ người nhà liên lạc với cơ quan chức năng ở huyện M’Drắk và được chính quyền địa phương động viên trở về. Năm 2018, tích cóp được chút tiền làm lộ phí, anh đưa vợ và 7 người con bắt xe đi từ Thái Lan sang Campuchia để về lại Việt Nam. Công an huyện M’Drắk đã cử người đến tận cửa khẩu Mộc Bài phối hợp với Bộ đội Biên phòng Việt Nam làm thủ tục đón gia đình anh.

Ở khu nhà của dân tị nạn tại Stungtreng chừng một tháng trong cảnh buồn bực vì mất tự do, sau khi nhận thức được rằng mình đã bị lừa phỉnh thì Kpă Y Nek – tên thường gọi là Ama Chem (ở buôn Drai Điết, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) quyết định tìm cách trở về. Anh và một người khác cũng cùng đi vượt biên giả vờ xin ra ngoài mua card điện thoại rồi gọi về cho anh Y Sao Niê, cán bộ Công an huyện Ea H’leo. Được Y Sao động viên, Ama Chem bắt xe quay về, được anh Y Sao đón tại TP. Hồ Chí Minh và đưa về tận nhà.

Cán bộ Công an huyện M'Drắk thường xuyên đến thăm, động viên anh Ma Văn Quán (bên trái) chăm lo làm ăn. Ảnh: Hồng Thủy

Nhắc lại chuyện mình từng lầm lạc nghe theo kẻ xấu xúi giục gây rối an ninh trật tự và vượt biên, ông Y Chon Niê (dân tộc J’rai, ở buôn A2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) vẫn cảm kích với sự bao dung của chính quyền và người dân địa phương. Ông từng bị các đối tượng phản động theo Ksor Kơk lừa phỉnh, dụ dỗ tham gia biểu tình gây mất an ninh trật tự năm 2001. Sau đó, chúng lại dọa rằng nếu không vượt biên trốn ra nước ngoài thì sẽ bị… chính quyền Việt Nam trừng trị.

Lo sợ, Y Chon đã vượt biên sang Campuchia. Tại đây, ông bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giao về cho cơ quan chức năng Việt Nam. Khi trở về, trái ngược với lời doạ dẫm và bôi nhọ chính quyền trước đó của các đối tượng phản động, Y Chon đã được cán bộ địa phương khuyên nhủ, phân tích đúng – sai, động viên ông chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, không nghe lời kẻ xấu xúi giục.

Ấm áp quê nhà

Cũng giống như anh Quán, anh Páo, Ama Chem, hầu hết các trường hợp đi vượt biên trái phép đều được cơ quan chức năng tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ họ hồi hương. Khi về nhà, họ lại được chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên, giúp đỡ để sớm ổn định cuộc sống.

Xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) từng là “điểm nóng” về an ninh trật tự và có người vượt biên. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, đã có nhiều đối tượng vượt biên hồi hương trở về.

Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) Phạm Quyết Thắng cho biết: “Khi các đối tượng vượt biên muốn hồi hương thì chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương là phối hợp với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho bà con trở về; tổ chức đón các đối tượng về; vận động người dân địa phương không miệt thị, xa lánh; thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ họ làm ăn. Vì vậy, đa số các đối tượng trở về nhanh chóng ổn định cuộc sống trong thời gian ngắn”.

Như anh Rơ Chăm Y Pin (buôn Săm B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo), khi từ Thái Lan trở về, đến thủ đô Pnôm Pênh (Campuchia) đã được cán bộ Việt Nam sang tận nơi đón, về đến TP. Hồ Chí Minh thì được cán bộ huyện Ea H’leo đón đưa về tận nhà. Sau đó, cán bộ xã, huyện thường xuyên đến thăm, động viên, khuyên nhủ anh chí thú làm ăn, chăm chỉ lao động để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Giờ về sống giữa buôn làng, dù cuộc sống chưa hết những khó khăn nhưng anh Y Pin vẫn thấy sung sướng hơn nhiều so với những ngày chui nhủi nơi đất khách.

Trở về quê hương, ông Y Chon Niê (ngồi giữa), ở buôn A2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) được chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ. Ảnh: Hồng Thủy

Với anh Ma Văn Quán (ở thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drắk), khi quay về đến biên giới Việt Nam, nhìn thấy cán bộ Công an huyện M’Drắk đến đón, anh òa khóc vì mừng, anh bảo nếu có đi tù vì vượt biên trái phép thì cũng phải ngồi tù ở Việt Nam. Nhưng anh và gia đình không ai đi tù cả, cũng không bị xử lý hành chính mà còn được chính quyền giúp đỡ để vượt qua cảnh khó khăn khi ấy. Cán bộ chính quyền địa phương và công an giải thích cho anh biết mình sai ở chỗ nào, rồi tạo điều kiện làm lại giấy tờ thường trú, khai sinh cho đứa con sinh nơi đất khách của anh…

Sau những lầm lỗi, gia đình anh Quán được quê hương bao dung đón về. Đứng trước thôn kiểm điểm những sai lầm của mình, anh Quán lại khóc – những giọt nước mắt của sự hối hận, và cả niềm hạnh phúc vì đã được trở về với quê hương. Bây giờ, gặp ai có ý định đi vượt biên, anh cũng bảo: Đừng có nghe ai xúi dại hết, ở lại quê hương là sướng nhất!

Không chỉ động viên, thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, chính quyền huyện Ea Súp, Công an huyện còn tạo điều kiện giúp gia đình ông Y Chon Niê vươn lên phát triển kinh tế như: cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo; cô con gái đầu được vay vốn học sinh, sinh viên để học trung cấp ngành Công nghệ thông tin; được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được cấp 1 ha đất sản xuất trong khu dự án 500 ha hồ Ea Súp thượng… Cảm động, Y Chon đã đứng trước bà con nhận lỗi, hứa với chính quyền, buôn làng và tự hứa với mình sẽ không để bản thân bị kẻ xấu xúi giục làm điều sai trái nữa.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Vươn lên sau lầm lỡ

Vân Lam - Hồng Thủy - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.