Multimedia Đọc Báo in

Sáng một lối về (kỳ 3)

08:55, 07/08/2023

Kỳ 3: Vươn lên sau lầm lỡ

Khi trở về, với sự giúp đỡ của chính quyền và người dân địa phương, nhiều người từng vượt biên trái phép đã nỗ lực vượt qua lỗi lầm quá khứ, chăm chỉ lao động sản xuất, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, trở thành những nhân tố tích cực ở địa phương…

No ấm từ đôi bàn tay

Ngôi nhà mới của vợ chồng chị Nay H’Dyeng (dân tộc J’rai, ở buôn Jang, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) tuy chưa thật khang trang nhưng rộng rãi và khá tươm tất. Đó là thành quả lao động sau 7 năm vợ chồng chị hồi hương trở về từ Thái Lan.

Sau 8 tháng vất vưởng ở đất Thái, thấm thía thân phận tha hương, khi được cơ quan chức năng giúp đỡ trở về với buôn làng vào cuối năm 2015, vợ chồng chị Nay H’Dyeng bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế. Lúc đi bán hết cả nhà cả đất nên khi trở về phải ở nhờ nhà mẹ chồng, rồi khai hoang để lấy đất trồng trọt.

Chăm chỉ làm lụng, đến nay vợ chồng chị đã có 2,6 ha rẫy tự khai hoang để trồng điều, sắn, ngô và hoa màu. Làm lụng và tiết kiệm, chỉ sau 2 năm trở về, vợ chồng chị đã mua được đất và đến năm 2022 thì dựng được ngôi nhà trị giá gần 100 triệu đồng, không còn phải ở nhờ, lại mua được xe máy cày để phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản.

Năm 2021, nhờ sự hỗ trợ của các đoàn thể trong buôn, gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục đầu tư mở rộng ruộng rẫy.

Chị Nay H’Dyeng cảm kích: “Được sống giữa người thân, bà con buôn làng, có nhà, có ruộng rẫy làm ăn, ba đứa con nhà mình đã được đi học, gia đình được chính quyền quan tâm cấp thẻ bảo hiểm y tế nên không còn lo mỗi khi đau ốm, cuộc sống của gia đình mình bây giờ đã ổn định. So với những ngày ở Thái Lan thì sung sướng hơn rất nhiều”.

Ama Chem (ở buôn Drai Điết, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) chuẩn bị đất để trồng chanh dây. Ảnh: H.Thủy

Sau chuyến đi tìm “miền đất hứa”, tiêu tốn hết tiền bạc mà chưa thấy giàu sang, sung sướng ở đâu thì Ama Chem (dân tộc Êđê, ở buôn Drai Điết, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) hiểu rằng: cho dù ở đâu, muốn có tiền bạc, của cải, cuộc sống tiện nghi cũng phải lao động và chăm chỉ lao động thì quê nhà cũng chính là "thiên đường"! Về nhà, Ama Chem nhận sai lầm trước buôn làng, được chính quyền địa phương và bà con trong buôn bao dung đón nhận, động viên.

Từ khi trở về, Ama Chem cần cù làm lụng. Với 9 ha đất, anh trồng 6 ha cà phê, còn 3 ha thì cho người ta thuê để trồng hoa màu. Mỗi năm gia đình anh thu từ 12 - 15 tấn cà phê, thu nhập thuộc hàng khá trong buôn, mua được nhiều máy móc phục vụ sản xuất; 8 đứa con của anh đều được học hành đến nơi đến chốn.

Có của ăn của để, Ama Chem còn sẵn sàng giúp đỡ bà con trong buôn về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, cho nhiều người vay vốn không lấy lãi để làm ăn. Anh bảo, mình có khả năng thì giúp đỡ bà con buôn làng đỡ khổ, để không ai mắc sai lầm rời bỏ quê hương như mình nữa…

Tuyên truyền viên và những bài học sống

 

“Đối với những người lầm lỗi khi họ trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên và có cơ chế, chính sách, các chương trình hỗ trợ họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng địa phương; những nhân tố tích cực trong số những người từng lầm lỡ được lựa chọn để bồi dưỡng họ trở thành những tuyên truyền viên tại chính địa bàn họ đang sinh sống” – Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê.

Câu chuyện của gia đình ông Y Mriu Êban (dân tộc J’rai, ở buôn B2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đáng cảm phục bởi nghị lực vươn lên sau lầm lỡ. Năm 2001, nghe theo lời xúi giục, kích động, ông tham gia gây rối rồi vượt biên, bỏ trốn sang Campuchia. Tháng 4/2001, ông bị bắt và phải đi tù, cải tạo 6 năm.

Trong thời gian chồng không có nhà, mọi việc nương rẫy, chăm lo cho hai con nhỏ đều do một tay bà H’Lên Kpă - vợ ông gánh vác. Khi ông hết hạn tù trở về, với suy nghĩ “ai từng chẳng mắc sai lầm, mắc lỗi, nhưng sai thì phải biết sửa”, vợ chồng ông động viên, bảo ban nhau chăm lo làm ăn, vực dậy kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học.

Chính quyền địa phương thường xuyên đến gặp gỡ, động viên, cấp cho 1 ha đất sản xuất làm “đòn bẩy” giúp gia đình ông phát triển kinh tế. Nhờ vậy, năm 2017, gia đình Y Mriu đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, mua sắm xe máy cày, xe càng phục vụ sản xuất.

Điều đáng nói, với sự nhanh nhẹn, tháo vát, không ngại khó, ngại khổ, bà H’Lên đã được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm buôn phó rồi buôn trưởng trong suốt 10 năm. Bà thường đưa chính câu chuyện của chồng mình để phân tích cho bà con buôn làng hiểu, không nên nghe theo lời kẻ xấu. Vợ chồng bà cũng đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sẵn sàng chia sẻ với bà con cách thức phát triển kinh tế gia đình.

Bà H’Lên cũng không quản ngại khó khăn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa.

Cũng từng lầm đường lạc lối, sau khi trở về buôn làng, ông Y Jon Kpă (dân tộc J’rai, ở buôn B1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) quyết tâm sửa sai. Năm 2001, nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu, Y Jon tham gia biểu tình nhưng không thành, sau đó cùng 19 người khác rủ nhau lẩn trốn trong rừng, tìm đường vượt biên sang tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Nhưng một tuần sau thì Y Jon bị bắt, được đưa về lại địa phương.

Mục sư nhiệm chức Y Jon Kpă (giữa) trao đổi tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn với cán bộ Công an huyện Ea Súp. Ảnh: H. Thủy

Trở về, Y Jon ra kiểm điểm trước buôn làng. Nhận ra sai lầm của mình, Y Jon tự nguyện phát huy vai trò của một chức việc rồi chức sắc tôn giáo, thường xuyên vận động bà con tín đồ tuân thủ nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2009, khi điểm nhóm Tin lành buôn B1, B2 được công nhận, ông Y Jon là người truyền đạo tình nguyện, rồi truyền đạo thực thụ và đến năm 2015 thì trở thành mục sư nhiệm chức. Trong các buổi sinh hoạt đạo tập trung, ông luôn tuyên truyền, động viên bà con tín đồ không tin, không nghe lời bọn xấu, chăm lo làm ăn.

Với những nỗ lực của ông Y Jon trong việc đưa hoạt động sinh hoạt tôn giáo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, những người theo đạo Tin lành của 5 buôn (B1, B2, A1, A2, C) trên địa bàn thị trấn Ea Súp đã xây dựng được nhà nguyện khang trang. Chi hội Tin lành Ea Súp được công nhận và chính thức thành lập vào ngày 11/4/2023. Ông Y Jon bộc bạch rằng, trong thời gian qua cũng có nhiều đối tượng tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo ông đi vượt biên nhưng ông quyết tâm không nghe theo bởi ông đã nhận ra rằng không ở đâu bằng quê hương, buôn làng mình.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Quê hương là “miền đất hứa”

Vân Lam - Hồng Thủy - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.