Multimedia Đọc Báo in

Vui Tết Độc lập trên đất Cư Êwi

10:41, 02/09/2023

Cứ đến Ngày Quốc khánh 2/9, người Tày, Nùng sinh sống trên đất Cư Êwi (huyện Cư Kuin) lại tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi chào mừng Tết Độc lập như một cách thể hiện tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Những tuyến đường rợp cờ Tổ quốc trên đất Cư Êwi trong ngày Quốc khánh 2/9.

Đến thăm xã Cư Êwi vào dịp Quốc khánh, toàn xã tràn ngập một màu tươi mới, khắp các tuyến đường làng ngõ xóm bà con cùng nhau phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh, và treo cờ Tổ quốc dọc các tuyến đường chính. Nhiều thôn buôn cũng phát động phong trào thể dục thể thao như tổ chức giải đấu giao lưu bóng đá, bóng chuyền… Câu lạc bộ hát then, đàn tính của xã cũng ráo riết tập luyện các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu để biểu diễn vào ngày lễ trọng. Hoàn tất công việc chung, các gia đình người dân tộc Tày, Nùng sinh sống trên đất Cư Êwi lại cùng nhau sửa sang bàn thờ, ảnh Bác Hồ, chuẩn bị những món ăn truyền thống kính dâng tổ tiên, dâng Bác.

th
Ông Đàm Văn Hồng sửa soạn mâm cơm cúng Bác Hồ trong Tết Độc lập

Cũng như mọi năm, vào ngày Quốc Khánh ông Đàm Văn Hồng (53 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại thôn 4, xã Cư Êwi) dậy từ sớm, khoác lên mình bộ trang phục cổ truyền của dân tộc sau đó cẩn thận treo lá cờ Tổ quốc trước cửa nhà. Từ mấy ngày trước, bà con trong thôn đã tập trung tại nhà ông Hồng để cùng nhau bàn bạc, phân công nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Độc lập.

Năm 1989, theo dòng người di cư, ông Hồng cùng gia đình dừng chân ở mảnh đất Cư Êwi để sinh sống. Hơn 30 năm bén duyên với Tây Nguyên, nhưng văn hoá truyền thống của dân tộc vẫn được gia đình ông Hồng lưu giữ. “Vào ngày Quốc khánh, người dân tộc Tày, Nùng trong thôn gác lại toàn bộ công việc đồng áng, dành thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động vui Tết Độc lập. Bà con sẽ cùng nhau gói bánh chưng, bánh gai, nấu xôi nếp cẩm, sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, Bác Hồ tại nhà, sau đó đến thăm hỏi, chúc mừng nhau những điều tốt đẹp, may mắn và cùng nhau thưởng thức ẩm thực, văn nghệ”- ông Hồng chia sẻ.

th
Người Tày, Nùng sinh sống trên đất Cư Êwi trong bộ trang phục truyền thống vui đón Tết Độc lập.

Thôn 4 cách trung tâm xã Cư Êwi không xa, dọc hai bên đường là những cánh đồng lúa đang trổ bông xanh tốt. Giữa con đường rợp cờ Đảng, cờ Tổ quốc, từng tốp thiếu nữ xúng xính trong trang phục truyền thống trên tay cầm cây đàn tính đang tụ họp về điểm biểu diễn văn nghệ trong ngày Quốc khánh. Dù xa quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn đã hơn 30 năm nhưng những người Tày, Nùng đang sinh sống trên đất Cư Êwi vẫn lưu giữ được truyền thống văn hóa hát then, đàn tính và xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là trong những ngày lễ lớn.

Bà Nông Thị Nở (55 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cư Êwi) cho hay, từ buổi khai sơ lập nghiệp trên mảnh đất mới, bà con dân tộc phía Bắc gặp không ít khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, khi cuộc sống ổn định người dân cũng đầu tư hơn cho các phong trào văn hoá, văn nghệ nhất là văn hoá hát then, đàn tính. Từ Câu lạc bộ Hát then, đàn tính của thôn 4 với hơn 10 thành viên ban đầu, đến nay, đã được UBND huyện Cư Kuin nâng cấp thành câu lạc bộ của huyện với hơn 40 thành viên tham gia. Trong ngày Tết Độc lập, bà con trong thôn và người đi làm ăn ở xa trở về gặp nhau, cùng nhau uống chén rượu ngô, kể cho nhau nghe chuyện mưu sinh lập nghiệp ở xứ người, thưởng thức từng điệu then, tiếng tính quê hương, cuộc hội ngộ vì thế càng thêm ý nghĩa.

th
Người dân thôn 4, xã Cư Êwi gói bánh chưng đón Tết Độc lập.

Ông Lâm Đức Trọng, Bí thư chi bộ thôn 4 cho biết, thôn 4 có 186 hộ, 850 khẩu chủ yếu là người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn về đây sinh sống từ những năm 1990. Chính vì vậy, từ đời sống sinh hoạt thường ngày đến các ngày lễ của người dân đều mang đậm dấu văn hoá cổ truyền mà ông cha để lại. Không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập với mỗi gia đình đó chính là mâm cơm cúng tổ tiên, Bác Hồ với những món ăn đặc trưng của dân tộc mình như: gà luộc, bánh chưng nấu từ nếp cái hoa vàng, xôi nếp cẩm, bánh gai, rượu ngô… Lễ mừng Tết Độc lập thường bắt đầu từ tối 1/9, kéo dài đến trưa 2/9 và được tổ chức tùy theo điều kiện thực tế. Bên cạnh các phong trào văn hoá, văn nghệ, đây cũng là dịp con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ để nghe những lời căn dặn cố gắng học tập, lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho xã hội để phụng sự đất nước, dân tộc, đáp lại công ơn của Đảng, Bác Hồ.

th
Câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Cư Êwi biểu diễn văn nghệ đón chào Tết Độc lập.

Theo Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Nguyễn Quốc Viện, toàn xã có 17 dân tộc anh em trong đó gần một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh phía Bắc, qua nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ổn định, phát triển. Với người Tày, Nùng đang sinh sống trên đất Cư Êwi, đón Tết Độc lập đã thành thông lệ từ nhiều năm nay với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ để giao lưu, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em.

Không chỉ Tết Độc lập, hiện xã Cư Êwi cũng duy trì việc tổ chức Ngày hội Văn hoá dân gian Việt Bắc vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút hàng ngàn du khách đến tham dự. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc anh em, nhắc nhở giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống của cha ông để lại, biết yêu quý tự do và bồi đắp lòng tự hào dân tộc.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.