Multimedia Đọc Báo in

Vững bước vào năm học mới, tạo sự bứt phá trong đổi mới giáo dục

08:24, 05/09/2023

Năm học 2023 - 2024 được xem là năm bứt phá của đổi mới giáo dục. Ngành giáo dục tỉnh sẽ tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra. Nhân dịp khai giảng năm học mới, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA.

* Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu bứt phá của đổi mới giáo dục trong năm học 2023 - 2024?

Năm học 2022 – 2023, toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế do hậu quả của dịch COVID-19 gây ra; chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục toàn diện; giáo dục mũi nhọn…

Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới đề ra từ trước, khối lượng công việc ngành giáo dục thực hiện trong năm học 2023 – 2024 rất lớn. Cụ thể, ngành vừa rút kinh nghiệm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở các khối lớp đã thực hiện vừa tiếp tục triển khai ở 3 cấp học là lớp 4 (bậc Tiểu học), lớp 8 (THCS), lớp 11 (THPT); chuẩn bị điều kiện liên quan để thực hiện ở 3 khối lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) để hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT vào năm học tới 2024 - 2025.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa (bên trái) kiểm tra cơ sở vật chất trường, lớp học tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột).

Ngoài ra, yêu cầu đổi mới cũng cao hơn khi đi vào chiều sâu ở từng nội dung, môn học, hoạt động giáo dục nên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về điều kiện dạy học; giáo viên cần trau dồi thêm phương pháp, kỹ năng để thích ứng và đáp ứng yêu cầu đề ra…

Như vậy, việc đổi mới giáo dục thực hiện ở phạm vi rộng, sâu nên khối lượng công việc cũng nhiều hơn so với trước, do đó đây là năm học mang tính chất then chốt, quan trọng trên lộ trình đổi mới giáo dục toàn diện, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn để tạo sự bứt phá trong thực hiện nhiệm vụ đề ra.

* Để tạo sự bứt phá đủ mạnh rất cần bước tạo đà cần thiết. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Những năm qua, ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và quản lý sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, qua đó đã huy động các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, tích cực chăm lo, phát triển giáo dục, tạo điều kiện để ngành hoàn thành nhiệm vụ giáo dục theo từng thời kỳ, lộ trình, nhiệm vụ chuyên đề cũng như kế hoạch từng năm học. Điển hình là việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Qua đó, tạo sự nhất quán, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo định hướng chung trên cả nước. Nhiều mô hình, nhân tố mới trong thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện được công nhận và nhân rộng, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả hoạt động chăm lo giáo dục cho người dân.

Năm học 2023 – 2024 là năm học thứ tư triển khai Chương trình GDPT 2018 nên ngành giáo dục đã có những kinh nghiệm nhất định trong tham mưu bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai ở các cấp học. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã được tập huấn, bồi dưỡng theo lộ trình, quy định Bộ GD-ĐT để thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, phân cấp. Đặc biệt là ngành luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của xã hội, nhất là phụ huynh, học sinh... trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại các cơ sở giáo dục.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) làm quen với cô chủ nhiệm trước thềm năm học mới 2023 - 2024.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt. Hiện tại cơ sở vật chất, phòng học, phòng thực hành, công trình phụ trợ… bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đây là khó khăn, thách thức lớn và khó khắc phục nhất hiện nay. Cùng với đó là tình trạng thiếu giáo viên ở môn học mới; thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học… Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố vẫn chưa có sự chủ động tham mưu hiệu quả việc điều hòa giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu…

Những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nói trên sẽ tiếp tục bộc lộ rõ rệt khi lộ trình đổi mới đang đi vào giai đoạn cuối, đó chính là thách thức lớn đối với ngành.

*Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, năm học mới 2023 - 2024 tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Năm học 2023 – 2024 ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND và chính quyền các cấp tập trung đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018, nhất là bảo đảm phòng học dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, phòng thực hành, số lượng giáo viên các trường theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt là giữ ổn định chất lượng giáo dục mũi nhọn, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; coi trọng giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm tạo sự công bằng trong thụ hưởng và phát triển giáo dục đào tạo. Cùng với đó, ngành tập trung tham mưu UBND tỉnh đổi mới công tác tuyển sinh, nhất là tuyển sinh lớp 10 bảo đảm mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS đạt chất lượng và chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để duy trì nền nếp, kỷ cương trường học, phòng chống bạo lực học đường, giảm thiểu tình trạng học sinh bị tai nạn giao thông, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh…

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành giáo dục đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính…

Hiện tại, hơn 1.000 trường học trên toàn tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị để bắt đầu năm học mới 2023 – 2024 ngay sau Lễ khai giảng ngày 5/9. Mỗi trường học, đơn vị giáo dục tiếp tục triển khai các phong trào thi đua trong lĩnh vực GD-ĐT; tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm tạo sự đoàn kết, đồng bộ, nhất quán trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn tỉnh, bắt nhịp sự đổi mới trong hệ thống giáo dục toàn quốc, tạo điều kiện để người dân tiếp cận môi trường giáo dục toàn diện nhất có thể.

* Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, ông có chia sẻ, gửi gắm gì thêm trước thềm năm học mới?

Nhận diện khó khăn, thách thức và phải vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra là hướng đi đúng đắn trong năm học mới 2023 – 2024 này. Tôi mong quý nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tạo tiền đề thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục toàn ngành. Những năm học trước, học sinh, học viên gặp nhiều khó khăn do việc dạy học gián đoạn vì yếu tố khách quan, do đó năm học mới cần ra sức phấn đấu, rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất.

Về phía gia đình, tôi mong phụ huynh thấu hiểu những khó khăn, vất vả của ngành, của giáo viên để đồng hành cùng con em mình trong quá trình học tập, chủ động phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Ngành giáo dục rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để ngành từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm học 2023 – 2024.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hường (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.