Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ chim hoang dã, di cư: Trách nhiệm không của riêng ai!

18:24, 19/10/2023

Các bộ, ngành và cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 4 hằng năm và hưởng ứng Ngày Quốc tế về chim di cư (ngày 14/10).

Chỉ thị 04 thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc bảo vệ, ngăn chặn những hành vi săn bắt trái phép các loài chim trong mùa di cư, cũng như tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vi phạm liên quan đến chim hoang dã, di cư; đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về bảo tồn chim di cư.

Chỉ thị nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nhân dân. Tại nhiều địa phương, nhiều chiến dịch triệt phá các tụ điểm buôn bán chim hoang dã được triển khai; việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị được tiến hành rộng rãi trong quần chúng tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. 

1
So với 20 năm trước, số lượng và chất lượng các loài chim đều đã bị suy giảm (Ảnh minh họa).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, có nhiều nguyên nhân do các hoạt động thường ngày của con người gây ra dẫn đến sự suy giảm đa dạng của các loài chim hoang dã, di cư.

Đơn cử: quá trình phát triển gắn liền với “bê tông hóa” đã làm mất sinh cảnh sống của các loài chim; các dự án lấn biển, các công trình xây dựng… đã san lấp khu vực sống tự nhiên, làm mất đi nguồn thức ăn của chúng. So với 20 năm trước, số lượng và chất lượng các loài chim đều đã bị suy giảm.

Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, buôn bán tràn lan cũng là một lý do khiến cho số lượng các loài chim hoang dã, di cư bị suy giảm. Các đối tượng săn bắn, bẫy bắt đang tận diệt các loài chim, các cá thể chim sau đó được đưa tới hệ thống nhà hàng, chợ để buôn bán, hoặc sử dụng cho các hoạt động phóng sinh…

Một yếu tố khác, đó là sự nhiễu loạn. Hiện nay, sự nhiễu loạn có mặt ở khắp mọi nơi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như thói quen, tập tính sinh sống của các loài chim. Sự nhiễu loạn này do âm thanh phát ra từ các hoạt động thường ngày của con người như: tiếng máy nổ, máy công nghiệp, tiếng loa đài…

So với thời gian trước, con đường di cư của nhiều loài chim đã thay đổi, như loài sếu đầu đỏ, 20 năm về trước, loài sếu này thường di cư về Việt Nam tránh rét, gần đây, chúng không về nữa. Ô nhiễm môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn thức ăn, khiến cho các loài chim hoang dã, di cư không còn nơi “đất lành” để “đậu”.

Việc này dẫn đến thay đổi quãng đường bay và khu vực cư trú tạm thời của chúng. Nhiều khu vực, cả một con sông gần như “chết” bởi ô nhiễm, không một sinh vật nào có thể tồn tại được. Ngày xưa, nếu cứ bước chân ra đồng là có thể thấy quạ, chim, cò… thì ngày nay, đến cua, ếch, nhái còn hiếm.

1
Bảo vệ các loài chim trời không phải là công việc của riêng ai mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. (Ảnh minh họa).

Chỉ thị 04 giúp cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư đạt được những hiệu quả nhất định, bởi người dân có cơ sở, căn cứ để thực hiện và làm theo. Từ đó, người dân sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của bản thân, góp phần hạn chế những nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học các loài chim hoang dã, di cư.

Bảo vệ các loài chim trời không phải là công việc của riêng ai mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Mỗi người đều có thể tham gia vào công cuộc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư với vai trò, cách thức khác nhau.

Chẳng hạn, báo chí có vai trò phản ánh sự thật, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để các vụ việc; học sinh cũng có trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; nhiếp ảnh gia với những ống kính phóng đại có thể soi rõ từng vết thương, chụp lại chúng làm bằng chứng báo cáo cho các cơ quan chức năng, hoặc chụp lại vẻ đẹp của các loài chim, để mọi người cảm thấy yêu thương, trân trọng chúng và cảm thấy tiếc nuối khi chim trời bị sát hại...

Đặc biệt, để việc bảo tồn này đạt hiệu quả cao, người dân là lực lượng quan trọng bậc nhất, là “tai mắt” của cơ quan chức năng, giám sát mọi hành vi, ở mọi nơi. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn như: tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn… Ngoài ra, cần lưu ý đến những hoạt động mang danh nghĩa “phóng sinh”, bởi nó đang là cái cớ để các hành vi săn bắt trái phép chim trở thành việc “tích đức” trong mắt bà con nông dân địa phương. 

Thế Hùng (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.