Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng vào “cú hích” phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:21, 16/10/2023

Thực hiện Quyết định 1719 QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Quyết định 1719), huyện Buôn Đôn đang tập trung triển khai Dự án 1 bởi đây được xem là “cú hích”, "bệ phóng" để đồng bào có nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn huyện biên giới.

Nội dung của Dự án 1 theo Quyết định 1719 là tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế huyện Buôn Đôn không có đủ quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng (theo quy định là mỗi hộ được cấp 1 ha đất sản xuất, hoặc 400 m2 đất ở), trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, huyện đã chuyển sang hình thức phù hợp là hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề ngắn hạn.

Chị H’Đim Hra (dân tộc M’nông, buôn Tul A, xã Ea Wer) là một trong những hộ tiếp cận nguồn vốn vay đầu tiên trên địa bàn huyện với số tiền vay 50 triệu đồng, cộng với 70 triệu đồng vay từ Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường và hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, cuối năm 2022 chị đầu tư hợp đồng 2 ha đất để trồng điều bởi đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng vùng biên giới. Quá trình trồng trọt, gia đình chị được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay vườn điều đã phát triển tốt, chị nhẩm tính rằng, nếu mọi việc suôn sẻ thì hơn 1,5 năm nữa sẽ  thu hoạch vụ đầu tiên, có tiền trả nợ vay ngân hàng.

Chị H’Đim Hra (giữa) thông tin về tình hình vay vốn, đầu tư trồng cây điều với lãnh đạo Phòng Dân tộc, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn.

Tương tự, chị Hă Hra (dân tộc M'nông, trú cùng buôn) cũng được vay số tiền tối đa là 77,5 triệu đồng để đầu tư mua 3 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay “tài sản” của chị đã tăng lên 5 con, với đà này thì chỉ 2 năm nữa chắc chắn chị hoàn trả số tiền vay trước thời hạn và được ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn Sao Y Me thì hiện đã có gần 100 đối tượng trong diện thụ hưởng dự án trên địa bàn xã Ea Wer và Ea Nuôl được vay vốn với tổng dư nợ hơn 4,3 tỷ đồng. Xã rà soát, lập danh sách để Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trực tiếp xuống địa phương thẩm định, kiểm tra trước khi giải ngân nguồn vốn vay. Các đối tượng đều được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, đơn giản hóa mọi thủ tục, nhanh chóng giải ngân để có vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Trong khi đó, tại xã biên giới Krông Na, đã có 140 thanh niên tham gia các lớp học nghề trồng trọt và chăn nuôi ngắn hạn miễn phí do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Anh Y Sít Hwing (buôn Drăng Phôk) tham gia lớp học kỹ thuật trồng điều bởi gia đình có diện tích đất khá lớn. Anh chia sẻ, sau khi đã nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, anh sẽ vay từ nguồn vốn nói trên để khởi nghiệp bằng việc trồng điều. Rõ ràng, khi được hỗ trợ về vốn, về kiến thức, cơ hội đối với những thanh niên trẻ có nghị lực vươn lên như anh Y Sít cùng các bạn bè đồng trang lứa vừa tham gia lớp học đang mở ra phía trước. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt cho biết, Quyết định 1719 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân cũng như các đối tượng thụ hưởng để họ sớm tiếp cận, không bỏ lỡ cơ hội, nguồn lực hỗ trợ từ chính sách này. Hiện toàn huyện có 2.000 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, những hộ này đều có thể được tiếp cận nguồn vốn vay hoặc hỗ trợ đào tạo nghề, sau đó được vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Các xã còn lại đang khẩn trương thống kê, lập danh sách tất cả các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đào tạo nghề để Ban Dân tộc huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phê duyệt, triển khai đồng loạt. Với thời gian áp dụng khá dài (giai đoạn 1 là từ năm 2021 - 2025 và kéo dài đến năm 2030), Quyết định 1719 được kỳ vọng sẽ góp phần đắc lực vào quá trình giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.