Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn

05:59, 20/10/2023

Để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, công tác Hội Phụ nữ cần tiếp tục hướng về cơ sở với những cách làm phù hợp, sát thực nhằm tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn.   

♦ Chị Lê Thị Ngọc Lệ, Viện KSND tỉnh:Tạo điều kiện cho nữ trí thức phát huy khả năng

 

Tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm công tác cán bộ, chế độ cho nữ cán bộ cơ sở, tạo điều kiện cho chị em nữ trí thức phát huy lợi thế của mình, thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nữ giới trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đem lại quyền lợi thiết thực và nâng cao vị thế phụ nữ để tự tin đóng góp tài năng và trí tuệ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức liên quan đến nữ trí thức theo hướng thiết thực, sáng tạo hơn; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề đa dạng về các nội dung bổ ích mà chị em quan tâm như: phụ nữ thời hội nhập; chăm sóc sức khỏe hay kỹ năng nữ công gia chánh… để các chị em được tiếp nhận những kiến thức bổ ích, được trao đổi, trau dồi thêm vốn kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức xã hội, giao lưu gặp gỡ, tiếp nhận thêm nhiều thông tin mới, giúp chị em phụ nữ tự tin hơn với các vai trò đảm nhận. Đồng thời, cần tổ chức hoạt động "Về nguồn" cho chị em để khơi gợi lòng tự hào, tiếp bước của thế hệ phụ nữ hôm nay đối với lịch sử vẻ vang của quê hương, dân tộc ...

♦ Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột): Xây dựng mô hình hoạt động phù hợp khu vực đô thị

 

Ở địa bàn trung tâm của thành phố, phụ nữ được tiếp cận với rất nhiều tiện ích, sân chơi đáp ứng được nhu cầu, sở thích nên nhiều khi không quan tâm đến hoạt động Hội, việc thu hút chị em tham gia hoạt động Hội vì vậy gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng phụ nữ đổ vỡ hôn nhân đang có xu hướng gia tăng. Những trường hợp này, các chị em thường sống khép kín, khó tiếp cận. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng để chị em tham gia và gắn bó với tổ chức Hội cần xây dựng và duy trì các mô hình, tổ/nhóm, câu lạc bộ để hội viên, phụ nữ có cơ hội trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, với nhiều nội dung như: “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững theo nếp sống mới”; “Thấu hiểu tâm sinh lý con trẻ”; “Phụ nữ cùng nhau làm theo pháp luật”; “Sức khỏe và hạnh phúc gia đình”; “Phụ nữ tuổi trung niên cùng chia sẻ”… Để làm được điều đó có hiệu quả, chúng tôi rất cần sự đồng hành hỗ trợ của các cấp, ngành trong thời gian tới.

♦ Chị H’Yar Kbuôr, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kala (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana): Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

 

Hiện nay, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kala có gần 20 chị em tham gia. Chúng tôi đang tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em trên địa bàn cùng bảo tồn, duy trì, phát huy nghề dệt truyền thống và truyền dạy cho thế hệ mai sau. Đồng thời, mong muốn nghề dệt thổ cẩm phát triển gắn với du lịch, mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này ở các đô thị lớn. Lúc đó, sản phẩm dệt của Tổ hợp tác sẽ trở thành hàng lưu niệm mang đậm nét văn hóa của người Êđê, đứng vững và vươn ra thị trường trong và ngoài nước, mang lại thu nhập cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số; đưa nghề dệt thổ cẩm trở thành một thương hiệu riêng để phát triển kinh tế.

♦​​​​​​​ Chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột): Quan tâm hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ

 

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng sức ép thu hẹp đất canh tác đã khiến nhiều nông dân, lao động ngoại thành thiếu việc làm, trong đó lao động nữ chiếm hơn 50%. Vì vậy, giải quyết việc làm cho lao động nữ hiện là vấn đề bức thiết, cần được quan tâm. Theo tôi, Hội Phụ nữ các cấp cần khảo sát nhu cầu học nghề, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các cấp, ngành giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn..., qua đó giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, có thêm việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một khi có việc làm tại chỗ ổn định, phụ nữ trong độ tuổi lao động yên tâm lập thân, lập nghiệp và đó là giải pháp hữu hiệu để giữ chân lực lượng phụ nữ và là cách tạo nguồn hiệu quả.

Anh Phương (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.