Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (4)

10:37, 25/10/2023

LTS: Trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức để ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Nay, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nhận văn bản trả lời của các bộ, ngành, Trung ương.

Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.

1. Cử tri đề nghị quan tâm tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo nghề mới, kết nối, giới thiệu việc làm để công nhân lao động có thể chuyển đổi, thích ứng ngay khi thị trường lao động có sự chuyển dịch giữa các ngành nghề, nhất là nhóm công nhân trên 40 tuổi.

Bộ LĐ-TB&XH trả lời: Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, giảm giờ làm hiện nay diễn ra mang tính chất cục bộ, tại một số ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày, chế biến gỗ… Trong số lao động bị ảnh hưởng thì lao động là nữ giới, lao động trên 40 tuổi, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp chiếm tỷ trọng cao, gây áp lực lớn trong vấn đề giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm như: Hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; hỗ trợ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người bị mất việc làm…

Đồng thời, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động, nhất là các đối tượng yếu thế, lao động, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai các chương trình: 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KT-XH.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp Tân An. (Ảnh minh họa: Minh Thông)
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp Tân An. (Ảnh minh họa: Minh Thông)

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đã nêu, đồng thời tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (trong đó có lao động là công nhân), sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động trong Luật Việc làm (dự kiến trình Quốc hội năm 2024).

2. Cử tri đề nghị xem xét giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong quy định điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng để nhiều người lao động có cơ hội được nhận lương hưu (hiệu nay là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên).

Bộ LĐ-TB&XH trả lời: Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó có nội dung: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Triển khai Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 6/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội, trong đó có đề xuất việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri sẽ được trao đổi, thảo luận trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên.

Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.