Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (6)
6. Cử tri đề nghị quan tâm, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của tỉnh Đắk Lắk có nguồn vốn đầu tư cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn.
Bộ Tài chính trả lời: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, bố trí vốn đầy đủ, kịp thời cho NHCSXH để triển khai hiệu quả các chính sách cho vay nói chung và Chương trình tín dụng HSSV nói riêng. Ngoài nguồn vốn sử dụng chung để cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH (bao gồm cả Chương trình tín dụng đối với HSSV), Nhà nước đã quan tâm bố trí thêm 15.530 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và Quỹ Dự trữ ngoại hối để NHCSXH triển khai Chương trình tín dụng đối với HSSV.
Bên cạnh đó, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong hai năm 2022 và 2023, Nhà nước cũng bố trí thêm 3.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để NHCSXH cho vay chương trình này. Đến ngày 31/7/2023, tổng dự nợ của Chương trình tín dụng đối với HSSV đạt 12.365 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ gần 3,9 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin giải quyết thủ tục cho hộ gia đình có học sinh, sinh viên vay vốn. |
Thời gian tới, trong phạm vi tăng trưởng tín dụng hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở nguồn vốn đã bố trí cho chương trình này và các nguồn huy động hợp pháp khác, NHCSXH sẽ cân đối, phân bổ vốn cho từng địa phương cho phù hợp với nhu cầu của từng tỉnh, trong đó có tỉnh Đắk Lắk để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho vay HSSV tại địa phương. Do đó, đề nghị tỉnh Đắk Lắk làm việc với NHCSXH để được bố trí nguồn triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV tại địa bàn tỉnh.
7. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm thông báo vốn thực hiện Chương trình hằng năm và thông báo tổng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Đắk Lắk (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 501/CĐ-TTg ngày 10/6/2022).
Bộ Tài chính trả lời: Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đã có văn bản số 7552/BTC-NSNN ngày 21/7/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ Chương trình) thông báo số kiểm tra ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến trần chi ngân sách nhà nước 2 năm còn lại (năm 2024 – 2025) của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Trên cơ sở dự kiến trần chi ngân sách nhà nước 2 năm còn lại của chương trình và các quy định nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có trách nhiệm thông báo dự kiến tổng mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương của chương trình năm 2024 – 2025 cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương (trong đó có tỉnh Đắk Lắk).
Đối với dự toán ngân sách năm 2024 của chương trình, trên cơ sở phương án phân bổ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kinh phí thực hiện chương trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và giao kinh phí thực hiện chương trình năm 2024 cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương (trong đó có tỉnh Đắk Lắk) đảm bảo thời gian theo quy định.
8. Cử tri đề nghị sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Bộ Công an trả lời: CSDLQG về dân cư đã được xây dựng và đi vào vận hành từ 1/7/2021, toàn quốc đã thu thập và động bộ vào hệ thống CSDLQG về dân cư hơn 100 triệu phiếu DC (dân cư) từ các nguồn thông tin; cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân, thu trên 50 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và đã kích hoạt trên 28 triệu tài khoản. Đã kết nối với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp, 63 địa phương và một số đơn vị thuộc Bộ Công an. Với 5 nhóm tiện ích của Đề án đã góp phần tích cực vào 3 nhóm vấn đề: (1) Tạo nên xã hội văn minh hơn; (2) Phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội; (3) Đấu tranh, phòng, chống tội phạm hiệu quả.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh giải quyết thủ tục làm căn cước công dân cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
CSDLQG về dân cư đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương… (quản lý bằng định danh điện tử, căn cước công dân gắn chíp); đăng ký thay đổi cư trú trên cổng dịch vụ công; thực hiện thông báo lưu trú trên phần mềm quản lý lưu trú ASM trong quản lý thông tin khách và hoạt động kinh doanh…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa kết nối, chia sẻ, đồng bộ cơ sở dữ liệu dân cư với một số bộ, ngành để hoàn thiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc