Multimedia Đọc Báo in

An toàn thực phẩm học đường: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

06:53, 28/11/2023

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm (NĐTP) khiến hàng loạt học sinh phải nhập viện điều trị đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) học đường.

Nhiều vi phạm trong ATTP

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã ghi nhận liên tiếp hai vụ việc nghi ngờ do NĐTP khiến hàng chục học sinh phải nhập viện điều trị.

Cụ thể, vào ngày 10/11/2023 tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) sau khi ăn xế buổi sáng và ăn trưa thì có 8 học sinh lớp 3A11 có triệu chứng đau bụng, nôn ói, sau đó được nhà trường và gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột để thăm khám và điều trị nghi do NĐTP.

Không lâu sau đó, vào ngày 22/11, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã tiếp nhận 17 học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện với các triệu chứng của NĐTP. Trước đó, một phụ huynh lớp 5B đã đến tiệm trà sữa Mây (thôn 2, xã Ea Tu) đặt mua 36 ly trà sữa cho 35 học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp 5B. Sau khi uống trà sữa khoảng 15 phút, nhiều học sinh bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn nhiều lần và bị tiêu chảy, Ban giám hiệu nhà trường đã chuyển 17 học sinh nhập viện tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) để khám và điều trị.

Đối với vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn của trường; đồng thời lấy bốn mẫu thức ăn lưu tại cơ sở gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhằm kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, gồm: Staphylococcus aureus, Bacillus cereus, Clostridium perfringens để xác định nguyên nhân. Kết quả cho thấy, bốn mẫu thực phẩm đều đạt yêu cầu, không bị nhiễm ba loại vi sinh vật đề nghị kiểm nghiệm. Do đó, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory chưa đủ cơ sở kết luận là một vụ NĐTP. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng chỉ ra tồn tại của đơn vị này đó là sử dụng hộp nhựa để lưu mẫu nước cam là chưa đảm bảo ATTP.

Học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cung cấp

Riêng vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, qua làm việc với lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, đoàn kiểm tra của Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột xác định các em lớp 5B có biểu hiện ngộ độc không do ăn bán trú tại trường mà đã xác định nguyên nhân là uống trà sữa tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải khát Mây. Tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh cà phê giải khát Mây, cơ sở này đã phối hợp trích xuất camera theo dõi quá trình chế biến, đóng gói trà sữa và cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo đó, trà sữa học sinh dùng trong chiều 22/11 được chế biến vào sáng 22/11, được bảo quản trong tủ mát. Quán Mây sau khi chế biến khoảng 15 lít đã bán khoảng 15 ly cho người dân trên địa bàn và 33 ly cho học sinh, còn 5 lít đoàn kiểm tra đã niêm phong bảo quản trong tủ mát tại quán. Các nguyên liệu chế biến trà sữa gồm có: đường đen, trà đen, bột kem, hạt trân châu đen, đá viên, thạch rau câu có bao bì nhãn mác theo quy định, còn hạn sử dụng, tuy nhiên cơ sở chưa xuất trình được các bản công bố, hóa đơn mua hàng các sản phẩm trên.

Đáng nói, quá trình kiểm tra, quán trà sữa này chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức của chủ và nhân viên, hồ sơ theo dõi nguồn gốc thực phẩm. Hiện cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở này tạm ngừng kinh doanh để tiếp tục làm rõ vụ việc.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra

Theo bà Hồ Thị Tươi, Phó Trưởng Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột, trong tháng 9 vừa qua, UBND thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, y tế trường học và bảo đảm ATTP tại các trường tiểu học, mầm non, nhóm trẻ công lập và tư thục trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra thực tế tại 110 đơn vị, các đơn vị đã ký hợp đồng mua bán thực phẩm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn và thực hiện việc mua bán theo hợp đồng. Cùng với đó, mở sổ kiểm thực ba bước, tổ chức lưu mẫu thức ăn theo quy định. Các trường học cũng mua nước đóng bình cho trẻ uống và pha sữa, các cơ sở cung cấp nước cho trường đều đã được công bố phù hợp quy định vệ sinh ATTP do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thiết bị chứa đựng và bảo quản thức ăn bảo đảm điều kiện vệ sinh cơ sở vật chất tại các bếp ăn được bảo đảm, bếp được bố trí theo quy tắc một chiều. Hiện tại, các trường học đều đã có nhân viên y tế trường học thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Các trường đều đã được bố trí một phòng y tế trang bị cơ bản thuốc thiết yếu và vật dụng cần thiết phục vụ công tác sơ cứu ban đầu. “Qua kiểm tra giám sát, đoàn kiểm tra cũng phát hiện còn nhiều tồn tại trong công tác vệ sinh ATTP học đường. Một số trường học vẫn còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, y tế trường học. Một số đơn vị đã thực hiện kiểm thực nhưng ghi chép và lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định. Với nội dung này, đoàn kiểm tra cũng đã xử phạt hành chính một nhóm trẻ với mức phạt 4 triệu đồng”- bà Tươi cho biết thêm.

Khâu chế biến, bảo quản thức ăn tại bếp ăn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm vệ sinh ATTP học đường.

Hiện nay các dịch vụ ăn uống, giải khát nở rộ với những món ăn, thức uống hấp dẫn lứa tuổi học trò như: trà sữa, bánh tráng trộn, trà chanh, trà tắc… Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh ATTP học đường; ngăn chặn tình trạng thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng được bày bán tràn lan trước cổng các trường học của các ngành chức năng vẫn chưa thường xuyên. Mặt khác, sự phối hợp quản lý giữa nhà trường, phụ huynh trong việc nhắc nhở con, em mình sử dụng thức ăn đường phố vẫn chưa chặt chẽ. Hầu hết các trường hợp, sau khi NĐTP xảy ra thì mới có sự thanh kiểm tra, nhắc nhở quyết liệt nhưng sau đó "đâu lại hoàn đấy". Chính vì vậy, việc bảo đảm ATTP học đường không những cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ sở giáo dục, ngành quản lý giáo dục địa phương mà còn cần sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan có liên quan như y tế, quản lý thị trường, chính quyền địa phương và gia đình. Có như vậy, ATTP học đường mới thoát khỏi tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”!…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.