Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng trách nhiệm

07:56, 29/11/2023

Sự cộng đồng trách nhiệm với những cách ứng xử phù hợp sẽ góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ), hoặc giảm mức nghiêm trọng của sự việc.

Vai trò của giáo viên và cán bộ quản lý trường học rất quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện với học sinh, để các em tin tưởng chia sẻ khó khăn, vướng mắc.

Giáo viên phải có sự gần gũi với học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp nhằm kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra các vụ BLHĐ.

Bên cạnh đó, thông qua sách vở, các buổi ngoại khóa giúp học sinh trang bị thêm nhiều bài học về kỹ năng sống, hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với những người xung quanh.

Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái trình bày kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường.

Thầy Ngô Văn Chính, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột), cho biết: “Trường học có trách nhiệm to lớn trong công tác phòng BLHĐ. Xác định điều đó, những năm học vừa qua, chúng tôi luôn đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục trong trường để học sinh có một môi trường học tập lành mạnh, vui vẻ và bình đẳng. Mỗi năm, phụ huynh và học sinh đều ký cam kết nói không với BLHĐ. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, hội thi, diễn kịch… trong dịp 8/3, 20/11, 26/3 với chủ đề phòng, chống BLHĐ; thường xuyên tổ chức các buổi học kỹ năng mềm và lồng ghép vào các bộ môn khác; chú trọng trang bị kiến thức và xây dựng cho học sinh nếp sống thanh lịch, văn minh… ”.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mỗi bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian để trò chuyện và thấu hiểu con cái. Chị Nguyễn Thị Hòa (42 tuổi, xã Ea Kao, T.P Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Từng có một thời gian tôi tập trung làm ăn nên ít quan tâm, gần gũi con khiến khoảng cách lớn dần, tôi không còn nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, những biểu hiện bất thường của con. Bước vào tuổi dậy thì, con không còn chia sẻ về những khó khăn trong học tập, cuộc sống và dễ trở nên nổi loạn”. Rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang gặp tình trạng như chị Hòa, từ đó các em không tìm được người thấu hiểu để tâm sự khi gặp những vấn đề rắc rối. Vì vậy gia đình cần phải quan tâm nhiều hơn đến con em mình, để ý những bất thường về cơ thể và tâm lý của trẻ; lắng nghe chuyện học hành và các mối quan hệ xã hội của con để kịp thời phòng tránh tình trạng BLHĐ.

Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái tham gia Chương trình Giáo dục kỹ năng "Xây dựng tình bạn đẹp - Phòng chống bạo lực học đường".

Phối hợp với các trường học tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền, các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống BLHĐ. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Việc bảo vệ trẻ em khỏi BLHĐ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay gia đình mà là của toàn xã hội. Trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Đội tuyên truyền của Công an TP. Buôn Ma Thuột và các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng tránh, giải quyết tình trạng BLHĐ”.

Công tác tư vấn tâm lý học đường, xử lý tình huống và trang bị kiến thức pháp luật có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, xây dựng cho học sinh ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, suy nghĩ tích cực và biết xử lý mâu thuẫn một cách khôn ngoan. Anh Nguyễn Đắc Dỹ, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tư vấn pháp luật miễn phí cho thanh thiếu nhi (Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh) bày tỏ: “Từ khi thành lập CLB, chúng tôi luôn xác định trách nhiệm trong việc nâng cao hiểu biết về pháp luật; định hướng cho các em rèn luyện, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong cuộc sống, nhất là trong vấn đề BLHĐ. Từ đầu năm 2023, chúng tôi đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn cùng nhiều hoạt động như hội thi, hội diễn, sân khấu hóa các tình huống giả định... với chuyên đề phòng, chống BLHĐ. CLB sẽ là nơi thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh có thể tin tưởng tìm đến để chia sẻ về vấn đề của bản thân và cùng các em đưa ra những hướng giải quyết phù hợp, đúng với quy định của pháp luật”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.