Gia đình cần quan tâm hơn trong can thiệp điều trị trẻ tự kỷ
Trong điều trị can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không phần lớn phụ thuộc vào cách chăm sóc của gia đình.
Tuy nhiên, sự hiểu biết về cách chăm sóc trẻ tự kỷ của nhiều phụ huynh hiện nay vẫn còn hạn chế. Nhiều cha mẹ có tâm lý không chấp nhận con mình mắc tự kỷ, giấu bệnh của con nên không cho trẻ đi khám hoặc đưa trẻ đến khám muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Tự kỷ là tên gọi một hội chứng khi trẻ bị khiếm khuyết trong giao tiếp, trong tương tác với mọi người, khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc, dẫn đến giảm khả năng hòa nhập với xã hội. Với các bé bị tự kỷ dạng nhẹ, ba mẹ có thể chủ quan, không phát hiện ra. Tình trạng này lâu dần khiến trẻ tự cách ly với mọi người, nhốt mình trong thế giới riêng và gây ra nhiều tác hại đối với trẻ.
Mặc dù đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chứng tự kỷ ở trẻ nhưng có một số nhận định cho rằng, trẻ tự kỷ có thể là do sự phát triển thiếu hài hòa của não bộ do một số gen gây ra, tổn thương não bộ; trong quá trình mang thai, mẹ tiếp xúc thường xuyên với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu, bia, ma túy... làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra. Yếu tố môi trường không thuận lợi làm tăng nguy cơ tự kỷ như hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, gia đình bỏ mặc ít dạy dỗ, quan tâm...
Cha mẹ luôn ở bên con, quan tâm dạy dỗ để giúp con chiến thắng tự kỷ. Ảnh: Đình Thi |
Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023, khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã khám và điều trị cho gần 70 trường hợp trẻ tự kỷ. Trong số đó có khoảng 20% trẻ chưa được phát hiện, chữa trị sớm nên gặp khó khăn hơn trong quan hệ giao tiếp, kết bạn; còn lại 80% trẻ được kiểm tra, phát hiện và can thiệp sớm thì sự phát triển của trẻ vẫn có thể diễn ra tương đối bình thường, trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng xã hội.
Bác sĩ Phan Thị Hồng Hạnh, chuyên viên âm hưởng trị liệu, khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh… Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp, trong đó vai trò của gia đình, người thân vô cùng quan trọng. Việc cha mẹ nắm vững các kỹ năng cơ bản để dạy trẻ tự kỷ tại nhà không chỉ giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình can thiệp, như: Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi ít nhất 3 giờ/ngày; cho trẻ đếp lớp, hạn chế xem ti vi; dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh; dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bắt tay, hoan hô…; dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác; bắt chước các động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản... Vận động thô như: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng; kích thích cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp: mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp; tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép…
Có thể nói, gia đình là nhân tố rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hằng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh. Những thành viên trong gia đình chính là người đầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội, là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
Đừng mặc cảm, không chủ quan, không bỏ rơi trẻ, và cũng đừng để cho ai kỳ thị trẻ, cha mẹ hãy kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh, luôn ở bên con và dành thời gian dạy con, có sự quan tâm đặc biệt của mình để giúp con chiến thắng tự kỷ.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc