Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Hiệu quả từ các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ

07:57, 02/11/2023

Nhờ sự tích cực vận động, tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Bông đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ, thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chung tay xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Mô hình “Xóa trắng hộ gia đình không có hội viên” ở buôn Trôk Ăt (xã Yang Reh) được thành lập từ năm 2015, đến nay vẫn được duy trì và hoạt động hiệu quả. Chị H’Dung H’long, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Trôk Ăt cho biết, buôn được thành lập từ năm 2010, với 100% dân số là người Êđê.

Thời điểm đó, phụ nữ tham gia vào công tác hội rất ít do trình độ, nhận thức hạn chế, tập quán còn lạc hậu, điều kiện kinh tế khó khăn. Cán bộ hội phụ nữ phải thường xuyên đến từng nhà để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động, tuyên truyền chị em tham gia sinh hoạt hội.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần công tác vận động đạt hiệu quả, tinh thần chị em cởi mở hơn, tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ buôn. Đến nay, thông qua mô hình “Xóa trắng hộ gia đình không có hội viên”, 100% chị em ở buôn đã tham gia, trở thành hội viên Hội Phụ nữ.

Mặc dù đời sống của hội viên phụ nữ buôn Trôk Ăt hiện còn nhiều khó khăn, thường xuyên đi làm ăn xa, nhưng chị em vẫn cố gắng duy trì tham gia các hoạt động của hội, từ đó tạo sự gắn kết, đồng lòng giữa các hội viên phụ nữ trong buôn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Reh (huyện Krông Bông) ra mắt mô hình "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Được xem là xã điểm trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ đạt hiệu quả cao, xã Hòa Sơn hiện có 10 mô hình, câu lạc bộ, thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Trong đó, phải kể đến mô hình “Giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế” tại thôn 8.

Mô hình đã xây dựng các tổ, nhóm tiết kiệm, với số tiền 108 triệu đồng, cho 10 chị khó khăn vay với lãi suất thấp để đầu tư chăn nuôi bò nhốt chuồng. Nhờ đó, đã có 6 chị thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình này. T

rong khi đó, mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương mới được thành lập đầu năm 2023, có 41 hội viên tham gia. Các hội viên đã vận động người dân đóng góp làm đường điện dài hơn 1 km tại thôn 1, với số tiền hơn 100 triệu đồng; tuyên truyền, vận động người dân trồng cây xanh, hoa hai bên đường; tích cực dọn dẹp, phát quang bụi rậm; phân loại rác thải tại nhà; khai thác nguồn lực hỗ trợ các hộ gia đình phụ nữ vay vốn khởi nghiệp, kinh doanh…

“Để tập hợp và thu hút đông đảo hội viên tham gia, Hội LHPN xã phải xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, cũng như nhu cầu, mong muốn của các chị em. Các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ xã không chỉ nâng cao tinh thần, trách nhiệm của hội viên mà còn góp phần tạo sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, góp phần chung tay vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, chị Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Sơn chia sẻ.

Mô hình dệt thổ cẩm của hội viên phụ nữ buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) được duy trì và phát triển hiệu quả.

Hội LHPN huyện Krông Bông hiện có 133 chi hội cơ sở, với 14.439 hội viên. Thời gian qua, Hội luôn chú trọng đến công tác phát triển, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hiệu quả, nhằm lan tỏa, thu hút hội viên tham gia hoạt động. Đến nay, Hội đã xây dựng và duy trì được 121 mô hình, câu lạc bộ, với 3.556 thành viên tham gia.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Bông Nguyễn Thị Hương cho hay, các mô hình, câu lạc bộ trên địa bàn đều hướng đến sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội; bảo vệ an ninh biên giới; phát huy vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền, giáo dục đời sống, pháp luật; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc… Các mô hình, câu lạc bộ đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời đại mới.

Dựa vào điều kiện thực tế ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của hội viên, Hội đang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chị em nhân rộng các mô hình. Trong năm 2023, Hội đang triển khai mô hình “2 có, 2 biết” nhằm tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, quan tâm đến hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, của hội viên. Đây cũng được coi là bước đệm để duy trì và phát triển các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ bền vững, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh.

Phương Thảo
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.