Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng của tỷ phú hoa lan

08:29, 27/11/2023

Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương, ông Bùi Quốc Việt, hội viên Hội Người cao tuổi xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) còn tích cực tham gia phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, là gương sáng cho con cháu noi theo.

Vốn có sự hứng thú và dành tình yêu với các loài hoa phong lan từ lâu, ông Việt luôn ấp ủ ý tưởng ươm trồng một vườn lan ngay tại nhà. Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, nhận thấy nhu cầu chơi hoa lan và cây cảnh ngày càng nhiều, đặc biệt vào dịp lễ, tết, ông Việt bắt đầu tìm hiểu về các mô hình trồng hoa lan thông qua bạn bè, sách báo, mạng xã hội, rồi mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng gây dựng một khu vườn với đa dạng các chủng loại lan.

Ông Bùi Quốc Việt chăm sóc vườn hoa lan.

Trải qua nhiều khó khăn ban đầu vì chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến nay ông Việt đã trở thành “bậc thầy” trong nghề trồng lan. Vườn lan của ông là địa chỉ được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Việt cho biết, để cây hoa lan cho giá trị kinh tế cao, người trồng phải biết cách chăm cho hoa đẹp và cho thu vào thời điểm thị trường có nhu cầu lớn. Muốn vậy, phải chọn được giống lan tốt và hiểu được các bước phát triển của cây. "Hữu xạ tự nhiên hương", hoa lan của ông Việt được người sành chơi đánh giá là đẹp, bền, màu sắc tươi, đa dạng, lại canh nở rất đúng dịp Tết.

Từ thành công của mô hình trồng hoa lan, ông Việt hiện đã đầu tư trồng thêm hoa mai và cây bonsai các loại để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, mô hình trồng cây cảnh của ông rộng hơn 5.000 m2, cho doanh thu (chưa trừ chi phí) trên 10 tỷ đồng mỗi năm

Ông Bùi Quốc Việt cùng đoàn đại biểu của tỉnh nhận Bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Điều cảm phục hơn nữa là tấm lòng ông chủ vườn Bùi Quốc Việt. Nhiều năm qua, ông tích cực tham gia làm từ thiện tại địa phương và được gia đình rất ủng hộ. Hễ biết người nào gặp khó khăn, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ, ông đều sẵn lòng chia sẻ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Riêng trong 5 năm vừa qua, ông đã ủng hộ tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong đó ủng hộ 300 triệu đồng vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 cho địa phương; ủng hộ 50 triệu đồng cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung; hiến 1.000 m2 đất và góp 50 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn tại địa phương; trao tặng 40 triệu đồng tri ân các gia đình liệt sĩ trong vụ khủng bố ngày 11/6 tại huyện Cư Kuin. Ngoài ra ông còn tặng hàng trăm suất quà cho người dân, học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn…

“Trải qua những tháng ngày vất vả để có được như ngày hôm nay, hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân nghèo trong cuộc sống mưu sinh. Tham gia các hoạt động thiện nguyện, được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc. Điều mà tôi muốn nhận lại sau những việc làm đó là nụ cười của những người được giúp đỡ. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng trên hành trình làm thiện nguyện của mình”, ông Việt trải lòng.

Với những đóng góp của mình, ông Việt đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp các ngành trong tỉnh. Vừa qua, ông Việt vinh dự là một trong bốn cá nhân của tỉnh được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam biểu dương là “Người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV giai đoạn 2018 – 2023”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.