Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực để người lao động thoát nghèo

05:25, 24/11/2023

Những năm gần đây, nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nhiều người lao động, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)... trên địa bàn huyện được tiếp thêm động lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Hùng (trú thôn 10, xã Hòa Lễ) được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo từ NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn này, gia đình mua hai cặp bò mẹ - con để chăn nuôi bò sinh sản.

Với lợi thế địa phương có nhiều diện tích đồng cỏ, gia đình ông Hùng chăm sóc chu đáo nên bò phát triển khỏe mạnh. Khi bê trưởng thành, ông bán lấy tiền, còn hai con bò mẹ tiếp tục để lại để gây đàn.

Ông Hùng phấn khởi: “Nhờ được vay nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo với lãi suất thấp, giãn nợ trong thời gian 5 năm nên gia đình tôi có tiền để trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học (một cháu học đại học và một cháu đang học lớp 10), từ đó thu nhập ổn định. Hiện tại, gia đình tôi có đàn bò gần 10 con khỏe mạnh, năm 2021 gia đình đã “thoát” khỏi danh sách hộ nghèo”.

Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng (ở tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar) thuộc diện hộ cận nghèo. Trước đây, gia đình anh kinh doanh quán cơm bình dân song thu nhập không đáng kể, ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên cuộc sống luôn “thiếu trước, hụt sau”.

Năm 2019, anh mạnh dạn vay NHCSXH huyện 50 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ cận nghèo để chuyển đổi sang nuôi bò - mô hình phát triển kinh tế dựa trên lợi thế ngay tại địa phương.

Anh Hoàng chia sẻ: "Nuôi bò không khó nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá cao với một gia đình nông dân nghèo. Khi được vay vốn ưu đãi, tôi đầu tư xây chuồng trại và mua một cặp bò mẹ về nuôi. Giờ đây, đàn bò đã phát triển thành 7 con. Khi bò trưởng thành, tôi bán bớt để lấy tiền xoay vòng tái đầu tư chăn nuôi. Ngoài tiền bán bò thịt, gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập từ nguồn tiền bán phân bò. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được sẽ đạt từ 25 - 30 triệu đồng/con”.

Gia đình ông Hùng, anh Hoàng chỉ là hai trong số hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện Krông Bông trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Phòng LĐ-TB&XH huyện thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đối tượng chính sách từ các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn...

Phòng giao dịch NHCSXH huyện còn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn mở và duy trì hoạt động 5 điểm giao dịch cố định đặt tại trụ sở UBND các địa phương, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đại diện NHCSXH huyện Krông Bông và chính quyền địa phương tư vấn cho người lao động về các nguồn vốn vay ưu đãi tại nhà.

Khi người lao động hội đủ các điều kiện về vay vốn, NHCSXH huyện sẽ cân đối nguồn vốn phân bổ về để nhanh chóng, kịp thời giải ngân cho bà con có nguồn phát triển sản xuất, kinh doanh với mong muốn đạt hiệu quả cao nhất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, dư nợ tại NHCSXH huyện cho vay theo các chương trình đạt trên 25,5 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 500 người dân vay giải quyết việc làm cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.

NHCSXH huyện Krông Bông là địa phương có số dư nợ lớn nhất tỉnh, với gần 600 tỷ đồng; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, không có trường hợp nợ quá hạn...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.