Multimedia Đọc Báo in

Bình yên nơi đầu sóng

07:29, 26/12/2023

Đến nhiều đảo của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), sẽ gặp hình ảnh những ngôi nhà ngói đỏ đan xen với những nhà mái bằng giữa những rặng cây xanh, những ngôi chùa ngân vang tiếng chuông, những lớp học với tiếng trẻ con bi bô… Tất cả những hình ảnh ấy đã vẽ nên một bức tranh quê hương Việt Nam thân thuộc, yên bình nơi đảo xa mà như giữa đất liền.

Tiếng trẻ con ê a tập đọc, ríu rít chơi đùa chen lẫn trong tiếng sóng vỗ rì rào trên đảo Song Tử Tây. Trong một dãy nhà mái bằng kiên cố có 2 lớp học với chừng 10 học sinh. Một lớp học có 6 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang cùng học với sự hướng dẫn của thầy giáo chừng 40 tuổi. Lớp còn lại có một thầy giáo với khuôn mặt thanh tú, trẻ măng đang dạy 4 học sinh mầm non tô, vẽ, tập hát. Đó là khung cảnh ở Trường Tiểu học Song Tử Tây, nằm ở xã đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.

Thấy khách từ đất liền ra thăm, thầy Nguyễn Bá Ngọc (SN 1993, quê ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) không giấu được sự xúc động. Thầy Ngọc có chuyên môn là dạy tiểu học nhưng sau khi tình nguyện ra đảo lại dạy các em mầm non. Với lòng yêu trẻ nên chỉ sau một thời gian ngắn, thầy Ngọc đã thành thạo việc dạy múa hát, tô vẽ… Sau giờ học, thầy hay đưa các em trong lớp ra bờ biển, dạy chúng viết trên nền cát, tập đếm vỏ sò và hát những bài ca về biển đảo. Những lúc rảnh rỗi, thầy Ngọc cùng với thầy Nguyễn Hữu Phú (SN 1982, ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lấy ốc biển làm bông hồng, làm hòn non bộ. Cao hứng, hai thầy còn làm thơ, viết thư pháp lên những vỏ ốc, vỏ sò biển.

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc vui chơi với các học sinh ở Trường Tiểu học Song Tử Tây.

Cách trường học không xa là một xóm nhỏ yên bình. Nhìn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm san sát nhau ở xã đảo, chúng tôi khá bất ngờ bởi sự khang trang, kiên cố như trong đất liền. Ở ngoài đảo nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh và vườn tược. Thông thường, người vợ ở nhà chăm sóc con cái, trồng rau, nuôi gà. Người chồng tham gia đội dân quân và thỉnh thoảng đi biển đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn. Khi ốm đau, người dân trên đảo được các bác sĩ quân y ở bệnh xá tận tình khám, chữa bệnh miễn phí.

Ngoài những điều kiện vật chất, đời sống tinh thần của người dân xã đảo cũng đủ đầy không kém đất liền. Theo chị Chu Thị Mùi, một người dân ở đảo Song Tử Tây, vào ngày rằm, mùng Một âm lịch, gia đình chị thường xuyên đi chùa thắp hương, cầu khấn sức khỏe cho gia đình, bình yên cho biển đảo. Các gia đình cũng tham gia đầy đủ các hoạt động kỷ niệm của đảo, của quân đội và những cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, thường xuyên động viên nhau cùng góp sức bảo vệ quê hương, đất nước.

Chùa Song Tử Tây kết nối với khu dân cư bằng con đường bê tông sạch sẽ, dưới những cây phong ba lớn. Chùa có cổng tam quan, hướng về phía đất liền. Giữa biển trời bao la trong xanh, ngôi chùa Việt uy nghi với lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Song Tử Tây kể: Người Việt sống ở đâu thì có chùa ở đó. Ngày trước, những ngư dân Việt đi đánh cá ở Trường Sa đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Sau này, phật tử trong cả nước đã đóng góp để trùng tu chùa khang trang, vững chãi hơn. Từ bao năm nay, quân dân trên đảo vẫn giữ nếp truyền thống ngày rằm, đầu tháng, lễ, tết đều đến chùa lễ Phật cầu mong sự bình yên cho cả dân tộc. Trong điều kiện đời sống trên đảo còn khó khăn, mái chùa là nơi che chở, tiếng chuông chùa là nguồn động viên, giúp bà con thêm ấm lòng.

Quân, dân đảo Song Tử Tây đi lễ chùa đầu năm.

Theo Thượng tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, từ trước tới nay, bộ đội và người dân trên đảo luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức trên tinh thần vui tươi, gắn kết thêm tình quân dân. Trong những ngày bão gió, quân và dân trên đảo cùng chung tay chằng néo nhà cửa, cây cối, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người, đặc biệt là con trẻ. “Dưới mái nhà Song Tử Tây, chúng tôi luôn có nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi, đoàn kết một lòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng tá Dân khẳng định.

Có đến Trường Sa mới cảm nhận được sự yên bình nơi đây và sự gắn kết tình cảm đặc biệt giữa đất liền với biển đảo. Đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, những người dân, người lính đang sinh sống, làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa vẫn luôn quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.