“Chắp cánh” khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em tự tin hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Học sinh, sinh viên hào hứng
Năm 2023, Sở LĐ-TBXH tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp thu hút 2.340 HSSV và hơn 70 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tham gia.
Tại hội nghị, các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam và truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích về khởi nghiệp. Ngoài ra, các em còn được gặp gỡ, trao đổi với đại diện các DN khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, logistics.
Cũng tại diễn đàn này, các em HSSV đã được học một số chuyên đề về: Xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh; kỹ năng thuyết phục nhà đầu tư; các hình thức huy động vốn khởi nghiệp; nghiên cứu và phân tích thị trường.
Về phía cán bộ, giáo viên được hướng dẫn đánh giá ý tưởng, cơ hội kinh doanh; vấn đề pháp lý trong khởi sự kinh doanh; nghiên cứu, phân tích thị trường; xây dựng thương hiệu khi khởi nghiệp…
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk đặt câu hỏi tại Hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp năm 2023. |
Với tinh thần cởi mở, ham học hỏi, các em HSSV đã có nhiều câu hỏi gửi tới Ban tổ chức, như: có nên khởi nghiệp khi còn là sinh viên?, sau khi ra trường sinh viên nên khởi nghiệp hay khởi nghề?, những chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiện nay?, nên khởi nghiệp từ sản phẩm nào?, làm sao để tìm được ý tưởng và triền khai ý tưởng khi khởi nghiệp?, điều kiện, kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công?...
Tất cả những băn khoăn, lo lắng của HSSV về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời 4.0 đã được các chuyên gia, diễn giả, đại diện DN chia sẻ, giải đáp thấu đáo. Bên cạnh đó, các em còn được chia sẻ những trải nghiệm, bài học kinh nghiệm “xương máu” được đúc kết trên hành trình khởi nghiệp không “trải đầy hoa hồng” của chính bản thân các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp. Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra mà bất cứ start-up trẻ nào cũng phải “đương đầu” trên con đường khởi nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tham gia hội nghị nói chuyện chuyên đề khởi nghiệp. |
Em Phạm Thị Hậu, sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk trò chuyện, sinh viên hiện nay có nhiều trăn trở, đau đáu về con đường khởi nghiệp, nhưng đa phần các dự án khi mới bắt đầu đều gặp khó khăn, thử thách, kể cả thất bại. Em rất mong nhà trường, các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, các cuộc thi về khởi nghiệp… để chúng em được truyền cảm hứng, có cơ hội kết nối với các cá nhân, tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, qua đó thêm động lực, niềm tin và dần hoàn thiện hơn về ý tưởng khởi nghiệp của bản thân.
Cùng đồng hành phát huy tinh thần khởi nghiệp
Khi khởi nghiệp, HSSV chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách, khó khăn như: thiếu vốn để phát triển DN, sản phẩm, đổi mới công nghệ; thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như người giỏi chuyên môn thì kiến thức kinh doanh quản trị hạn chế; hay người giỏi tính toán đầu tư thì thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ thuật. Bên cạnh đó các em còn thiếu ý thức về việc xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu cá nhân để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng.
Đồng hành cùng học HSSV trường nghề trong khởi nghiệp sáng tạo, năm nay, lần đầu tiên Sở LĐ-TBXH quyết định tổ chức hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp. "Việc tổ chức các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sẽ giúp các em được nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp từ sớm. Qua đó trang bị những kiến thức cần thiết để các em tự tin khởi nghiệp nhưng giảm thiểu được những rủi ro và thất bại", ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ- TBXH cho biết.
Anh Nguyễn Đức Hoài, Giám đốc Học viện huấn luyện năng suất PCA chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sinh viên. |
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của start-up trẻ, các chuyên gia, diễn giả cho rằng, để khởi nghiệp, sáng tạo thành công, mang lại giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết phải khởi nghiệp bằng những ý tưởng quá lớn lao. HSSV các trường nghề có thể bắt đầu từ những điều xung quanh mình để phát hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích, phù hợp với khả năng của bản thân và những gì mà xã hội đang thiếu. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao ý thức khởi nghiệp cho HSSV.
Anh Nguyễn Đức Hoài, Giám đốc Học viện Huấn luyện năng suất PCA (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi rất hào hứng khi được làm người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Qua tham gia các hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp do Sở LĐ-TBXH tổ chức tôi thấy các bạn trẻ của tỉnh Đắk Lắk rất thông minh, có nhiều ý tưởng sáng tạo. Cái các bạn đang thiếu chính là một hệ sinh thái khởi nghiệp và sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, đơn vị. Nếu được hỗ trợ ngay từ những bước khởi đầu và được tiếp sức kịp thời, tôi tin rằng dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các em sẽ thành công”.
Để "chắp cánh" cho HSSV trường nghề khởi nghiệp, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập những câu lạc bộ khởi nghiệp, từ đó nhân rộng nhiều ý tưởng sáng tạo của HSSV. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức ngày hội khởi nghiệp, tôn vinh những ý tưởng dự án khởi nghiệp hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tạo nguồn vốn khởi nghiệp để các em có kinh phí đầu tư cho ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc