Multimedia Đọc Báo in

Hòa giải ở cơ sở: Khi pháp luật được vận dụng phù hợp

07:17, 04/12/2023

Công tác hòa giải cơ sở được luật hóa vào năm 2013 với sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cơ sở pháp lý quan trọng này đã được các cấp, ngành, địa phương và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh vận dụng phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Thấu tình đạt lý

Là già làng, người có uy tín lại đảm trách vai trò Bí thư Chi bộ buôn Êbung, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), ông Y Bom Byă đã bám sát địa bàn, gần gũi, nắm bắt rõ hoàn cảnh của người dân, phân tích thấu tình đạt lý từng sự việc nên luôn phát huy được vai trò của một hòa giải viên ở cơ sở. Toàn buôn có 250 hộ đồng bào dân tộc Êđê với 1.248 khẩu, 100% theo đạo Tin lành. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ông Y Bom đã vận dụng những quy định của pháp luật với những phong tục, luật tục, hương ước hỗ trợ tư vấn và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong cộng đồng như: mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đường đi, quyền sở hữu, thừa kế đất đai, nuôi dạy con cái… Ông còn sử dụng khả năng tuyên truyền, thuyết phục của mình để vận động bà con hiến đất mở rộng đường, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để nhựa hóa, bê tông hóa 7 tuyến đường nội buôn. Nhờ vậy, nhiều năm qua, các vụ vi phạm pháp luật tại buôn Êbung được kiềm giảm, không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tình hình an ninh chính trị được giữ ổn định, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.

Từ công tác tuyên truyền, vận động của ông Y Bom Byă (bên phải), Bí thư Chi bộ buôn Êbung, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), các hộ dân trong buôn đã đồng thuận hiến đất làm đường giao thông.

Thôn 7A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) có 161 hộ với 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 40%, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân không đồng đều. Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, công an viên, tổ trưởng tổ tuyên truyền pháp luật và thành viên tổ hòa giải, những năm qua, ông Nguyễn Thành Trung được xem như “cầu nối” hàn gắn những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư.

 

Trong 10 năm (2013 - 2023), toàn tỉnh đã tiếp nhận hòa giải 25.543 vụ, hòa giải thành 17.644 vụ (đạt 69%). Các vụ việc hòa giải chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, lĩnh vực môi trường như rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường và lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Để làm “tròn vai”, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật, kỹ năng hòa giải cơ sở và chịu khó học hỏi thêm qua mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ông khéo léo vận dụng các quy định của pháp luật với hương ước, quy ước, tập quán, văn hóa của từng nơi, từng dân tộc trong công tác hòa giải. Đơn cử như năm 2022, một gia đình trong thôn có vợ tham gia giao dịch tiền ảo trên mạng đã gây ra nhiều xáo trộn, cãi vã, mâu thuẫn, bất hòa giữa ông bà, vợ chồng, con cái. Với kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở, ông Trung đã tiếp cận từng thành viên trong gia đình, nắm bắt sự việc, tâm tư, tình cảm để có cách phân tích thấu tình, đạt lý về đạo làm con cái, trách nhiệm với gia đình và hướng dẫn ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự nên đã hòa giải thành công.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức. Sở Tư pháp đã tham mưu thực hiện biên soạn, phát hành 500 cuốn đề cương giới thiệu luật, 6.500 cuốn sổ tay hòa giải ở cơ sở, 120.000 tờ gấp “Tìm hiểu pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở”. Ở cấp huyện, các đơn vị cũng chú trọng cấp phát các loại tài liệu tuyên truyền liên quan đến luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

Tỉnh đã thành lập đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh với 5 thành viên; 15 huyện, thị xã, thành phố cũng đã có quyết định công nhận đội ngũ tập huấn viên cấp huyện với 105 người. Các tập huấn viên đã được cử tham gia lớp tập huấn do Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp tổ chức, được cấp phát đầy đủ tài liệu bồi dưỡng tập huấn viên và hòa giải viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập 2.255 tổ hòa giải với 13.452 hòa giải viên.

Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 7A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, kỹ năng giải quyết, xử lý các tình huống, vụ việc phát sinh trong thực tế cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn toàn tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và đội ngũ tập huấn viên đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác hòa giải và các hòa giải viên. Đồng thời, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã tổ chức hơn 500 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tạo được sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân tham gia tìm hiểu công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trên cơ sở quy định của luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả hơn. Qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, củng cố tình làng nghĩa xóm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.